TP.HCM cần khoảng 960.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, từ nay đến 2030, thành phố cần khoảng 960.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông.
- 27-06-2023Từ ngày 1/8, TP.HCM được thí điểm mô hình đô thị phát triển theo dự án giao thông, dự án BT và tự quyết chuyển đổi đất lúa dưới 500 ha
- 25-06-2023BOT, ‘siêu dự án’ hứa hẹn thay đổi diện mạo giao thông TPHCM
- 10-06-2023Thủ tướng chấp thuận khởi công đồng loạt 4 dự án giao thông phía Nam
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa X, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trả lời các nhóm vấn đề mà đại biểu quan tâm. Trong đó, vấn đề phát triển nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, phát triển du lịch được nhiều đại biểu chú ý, thảo luận.
Ông Mãi cho biết, nhu cầu vốn đầu tư các công trình giao thông của TP.HCM là rất lớn, dự kiến từ nay đến năm 2030, thành phố cần khoảng 960.000 tỷ đồng, ngân sách không thể đảm bảo được khoản chi rất lớn này.
Chính vì vậy, thành phố cần kết hợp giữa đầu tư công và phát huy các ngồn vốn xã hội thông qua các hình thức như PPP mà Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua đã cho thành phố cơ chế.
“ Thành phố cố gắng khai thác tốt Nghị quyết 98 để khai thác tốt nguồn vốn cho đầu tư các công trình hạ tầng giao thông. Phát triển hạ tầng giao thông sẽ đi liền với việc phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistics.. ”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Theo ông Mãi, đối với phát triển du lịch, trong quý III/2023, thành phố sẽ công bố chiến lược phát triển du lịch, tập trung các sản phẩm du lịch đặc trưng có tầm vóc, có sức thu hút lớn và gắn với chi tiêu của khách du lịch. Như vậy, thành phố phải hình thành các trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm văn hóa và đầu tư cho các trung tâm này bằng các nguồn vốn khác nhau.
“ Muốn du lịch phát triển thì phải tăng cường liên kết vùng. Nếu chỉ có TP.HCM thì thời gian giữ chân du khách chỉ được từ 3-5 ngày, nhưng nếu liên kết vùng tốt sẽ tận dụng được tối đa thời gian du khách thường sử dụng là 12 - 14 ngày/kỳ nghỉ” , ông Mãi phát biểu.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đã giao cho UBND quận 1 xây dựng đề án tiếp nhận, quản lý, khai thác khu trung tâm của thành phố. Đây không chỉ vấn đề đảm bảo an ninh trật tự mà còn phải phát huy các hoạt động như kinh tế đêm, kinh tế sông nước và đặc biệt, quận 1 phải là nơi đóng trụ sở của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như các tổ chức quốc tế.
Đối với vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, ông Mãi đánh giá, hiện nay doanh nghiệp thành phố vẫn đang rất khó khăn, dù trong quý II, doanh nghiệp đã có phần đỡ vất vả hơn so với quý I.
Trong quý III/2023, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ hoàn thành và trình đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng, hiện nay, việc thu ngân sách cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách trong tháng 6 giảm hơn so với tháng 5 và những tháng trước. Dự báo, năm 2023 thu ngân sách thành phố chỉ bằng so với năm trước. Thành phố quyết tâm thu đúng, không bỏ sót nhưng không lạm thu và có những chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.
vtc.vn