TPHCM chi 500 tỷ đồng nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh
UBND TPHCM vừa chấp thuận kế hoạch triển khai dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải thành phố với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.
Với chiều dài toàn tuyến khoảng gần 3.200m, dự án sẽ thực hiện nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hư hỏng nền, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu. Ngoài ra, còn cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, công trình hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa hư hỏng một số hạng mục công trình khác dọc tuyến.
Theo UBND TPHCM, khi triển khai, cần có lộ trình thay thế cho các phương tiện. Phạm vi rào chắn hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến lưu thông của các loại xe và cuộc sống của người dân các khu dân cư dọc tuyến đường.
Dự kiến, công trình được thi công trong khoảng 14 tháng, từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2020. Hoàn thành công trình vào tháng 9/2020.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp chủ đầu tư, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu công khai thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ, đúng quy định pháp luật.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,2km, rộng khoảng 30m cho sáu làn xe, nối từ Tôn Đức Thắng, Quận 1 đến Điện Biên Phủ, Quận Bình Thạnh đang phải oằn lưng gánh hàng loạt dự án với hàng chục ngàn căn hộ khiến hạ tầng xuống cấp trầm trọng..
Song song đó, UBND TPHCM cũng vừa có quyết định đầu tư chỉnh trang không gian khu vực đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ (Quận 1) nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Cụ thể, UBND TPHCM sẽ chỉnh trang đô thị hai tuyến đường trên từ trung tuần tháng 3/2019. Trước mắt, sẽ hoàn chỉnh không gian công viên phía trước, phía sau Nhà hát thành phố và không gian khu vực giao lộ giữa đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ theo hướng kết hợp các yếu tố cảnh quan nước, mảng xanh với không gian tượng đài Bác.
Mục đích là tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan tại vị trí giao của hai không gian này, đồng thời phân tách không gian sử dụng, đảm bảo về mặt giao thông và tầm nhìn thông thoáng từ phía tượng đài Bác về hướng sông Sài Gòn cũng như đảm bảo tính trang nghiêm trước tượng đài Bác.
Tuyến phố Lê Lợi, quận 1, nơi đang là đại công trường của dự án metro số 1.
Tại điểm giao giữa hai đường Lê Lợi với Nguyễn Huệ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, TP sẽ xem xét sử dụng hình thức hồ nước tĩnh, có biểu tượng nghệ thuật, kết hợp với đài phun nước để vừa giải quyết yêu cầu điểm nhấn cảnh quan, chuyển tiếp không gian (tĩnh và động, chính trị, văn hóa của trụ sở UBND TPHCM, tượng đài Bác và khu phố thương mại, du lịch… dọc 2 tuyến đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi), cải thiện môi trường khí hậu cũng như các yêu cầu về không gian khác. Công trình dự kiến hoàn thành trong quý 2-2019.
Cùng với tiến độ trả lại mặt bằng của dự án xây dựng tuyến metro số 1, UBND TPHCM sẽ hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường Lê Lợi đảm bảo kết nối toàn bộ không gian công cộng trên mặt đất với không gian ngầm của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên trước Nhà hát thành phố và đài phun nước nghệ thuật tại giao lộ đường Nguyễn Huệ với đường Lê Lợi (ảnh), cùng các kiến trúc khác nằm dọc 2 tuyến đường trên sẽ hình thành các không gian công cộng và điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố và du khách.
Theo UBND TPHCM, quyết định chỉnh trang khu vực này xuất phát từ kế hoạch chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố, trong đó có khu vực trục đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ từ những năm 2011-2012.
Thời điểm đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã cùng với đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế Idom (Tây Ban Nha) nghiên cứu và đề xuất ý tưởng xây dựng cảnh quan và không gian các tuyến đường trong khu vực trung tâm thành phố với các không gian đi bộ, tổ chức giao thông công cộng và lập các hướng dẫn thiết kế đô thị cũng như thiết kế cảnh quan đường phố để các tổ chức, cá nhân tham khảo khi tiến hành xây dựng ở đây.
Mặt khác, đây cũng là tâm huyết của giới chuyên môn, các kiến trúc sư, các chuyên gia về quản lý đô thị và đông đảo người dân thành phố mong muốn thành phố xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm ngày càng đẹp, hấp dẫn hơn.