TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Hiện ngành y tế và các ngành chức năng tại TP.HCM đang hoàn tất công tác chuẩn bị để tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
- 01-03-2022Bộ Y tế: Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi liều 0,2ml
- 21-01-2022Mua 21,9 triệu liều vắc-xin Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi
Số trẻ mắc COVID-19 tại TP.HCM liên tục tăng 3 tuần qua, đặc biệt ở học sinh tiểu học - nhóm chưa tiêm vaccine. Hiện ngành y tế và các ngành chức năng liên quan đang hoàn tất công tác chuẩn bị để tiêm chủng cho trẻ em độ tuổi này ngay sau khi được cung ứng vaccine như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, dựa trên sự đồng thuận của các bậc phụ huynh.
Tiêm cho trẻ để bảo vệ cả người lớn
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, thời gian qua, kể từ thời điểm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tiêm chủng thì tỉ lệ mắc COVID-19 và nhập viện ở nhóm tuổi này đã giảm. Hiện bệnh viện ghi nhận trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến 11 có tỉ lệ mắc và nhập viện cao hơn lứa tuổi 12-17.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em - Phòng khám chất lượng cao, Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ từ 5 đến 11 tuổi cũng giống như trẻ lớn, khi mắc COVID-19 cũng có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi và đa phần không đến mức nhập viện. Tuy nhiên, trẻ bệnh có thể về lây cho gia đình vì khi chăm sóc trẻ, rất khó thực hiện đảm bảo 5K.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ có phản ứng phản vệ với vaccine hoặc bất kỳ thành phần nào trong vaccine được chỉ định không tiêm vaccine. Còn các trường hợp khác như trẻ có bệnh nền mãn tính, bẩm sinh sẽ được chuyển tiêm tại các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi hoặc ở các bệnh viện chuyên khoa Nhi.
Cũng theo bác sĩ Thanh Thùy, không ít phụ huynh lo ngại tiêm vaccine COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau cho trẻ, đặc biệt là tình trạng viêm cơ tim và chức năng sinh sản. Tuy nhiên, các nghiên cứu và thực tế cho thấy, bên cạnh những tác dụng phụ thì tác dụng của vaccine trong phòng ngừa chung cho cộng đồng và tránh nguy cơ bệnh nặng đã được chứng minh.
Hiện nay số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và ít nhập viện hơn người lớn, nhưng hội chứng viêm đa cơ quan (gọi tắt là MIS-C, là tình trạng khi nhiều cơ quan trong cơ thể bị viêm gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc hệ tiêu hóa) có thể xảy ra vào tuần thứ 2 đến tuần thứ 6 sau khi khỏi bệnh ở trẻ chưa chích ngừa và chưa ghi nhận ở trẻ đã chích ngừa. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả bảo vệ rõ rệt của vaccine.
“Vaccine này mới nên chưa biết lâu dài có tác động như thế nào đến đứa trẻ. Những vaccine như cúm, thủy đậu, thậm chí vaccine ngừa lao qua thời gian đưa vào sử dụng đến nay đều cho thấy khả năng bảo vệ cho nhân loại rất nhiều và tác dụng phụ cho đến thời điểm này chưa thấy để lại biến cố nào”, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy nói.
Liên quan đến vấn đề e ngại tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Đỗ Văn Dũng-Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trước đây Việt Nam vẫn còn nghi ngại khi cho trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19, bởi thời điểm đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi này. Nhưng hiện nay WHO đã khuyến cáo và một số nước khác đã tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi cho thấy hữu ích, an toàn.
Ông Dũng cho rằng: "Tiêm cho đứa trẻ từ 5-11 tuổi thì an toàn hơn, các biến chứng về viêm cơ tim, tỷ lệ tác động bất lợi nghiêm trọng thấp hơn so với lứa tuổi cao hơn. Thứ hai là có thể lợi ích tiêm chủng không quá nhiều, trẻ em bị bệnh cũng không nặng nhưng xét về lợi ích về sinh hoạt học tập thì nên cho đứa trẻ tiêm".
Tập huấn kỹ để tiêm an toàn cho trẻ nhỏ
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh học trực tiếp trở lại. Tuần qua, trung bình mỗi ngày có 200 ca nhiễm được phát hiện tại trường ở tất cả cấp học. Tuy nhiên, số trường hợp phải nhập viện vẫn ở mức thấp. Theo dõi tại 3 bệnh viện Nhi của TP.HCM cho thấy số trẻ mắc COVID-19 cần hỗ trợ hô hấp gần 2 tuần (từ 24/2-8/3) chỉ có 20 ca, trong đó 12 ca chuyển từ các tỉnh đến. Trong 5 ca phải thở máy xâm lấn, chỉ có một ca của TP.HCM, còn lại từ các tỉnh khác. Đặc biệt, Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong nào thời điểm này.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong 10 ngày qua, HCDC tổ chức các lớp tập huấn dành cho các đội tiêm, Trung tâm Y tế quận/huyện trên địa bàn Thành phố, ôn tập những kiến thức đã có, cung cấp và cập nhật thêm nội dung mới cho học viên nhằm chuẩn bị trước cho công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở trẻ từ 5 – 11 tuổi một cách an toàn nhất.
Cụ thể là, các học viên được hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; Hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vaccine; Cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng; Quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra.
“Việc tiêm chủng không bắt buộc, nghĩa là phải có sự đồng thuận của gia đình. Tiêm chủng người lớn cũng vậy mà trẻ em cũng vậy. Tuy nhiên nếu gia đình trẻ không đồng ý thì về nguyên tắc, trẻ không tiêm cũng vẫn đến trường học bình thường. Tuy nhiên, ngành y tế, giáo dục và các địa phương sẽ cố gắng thuyết phục phụ huynh đồng thuận để cho trẻ tiêm vaccine là điều tốt nhất”, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết.
TP.HCM có khoảng 970.000 trẻ trong độ tuổi 5-11, trong đó 950.000 trẻ đi học (do Sở Giáo dục - Đào tạo thống kê) và 20.000 trẻ chưa đi học (do Sở Lao động -Thương binh & Xã hội TP.HCM thống kê). Dự kiến TP.HCM sẽ triển khai tiêm mũi 1 trong vòng 30 ngày, mũi 2 cũng sẽ tiêm trong 30 ngày. Ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể TP.HCM sẽ triển khai tiêm ngay cho trẻ độ tuổi nói trên./.
VOV