TP.HCM: Có đến 100 chi nhánh ngân hàng không có nợ xấu
Tỷ lệ nợ xấu nói chung của các ngân hàng trên địa bàn thành phố ở mức rất thấp.
- 25-11-2019Nhà băng nào có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%?
- 25-11-2019Biến động bất ngờ con số nợ xấu các ngân hàng
- 22-11-2019Nợ xấu của ngân hàng được quy định như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2019 tới nay đã xử lý được hơn 72.000 tỷ đồng nợ xấu. Đến nay, nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở thành phố giảm xuống còn 49.000 tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng dư nợ. Nếu không tính nợ xấu của 3 ngân hàng 0 đồng là GPBank, Ocean Bank và CB Bank thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân thương mai trên địa bàn chỉ còn hơn 1,5%.
Năm nay, nợ xấu được xử lý chủ yếu bằng cách bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ bằng tiền mặt. Đáng chú ý là trong số 460 chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM, có đến 100 chi nhánh ngân hàng có tài sản sinh lời, không có nợ xấu.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tại TP.HCM cho biết, năm nay nợ xấu mới phát sinh cũng ít hơn so với nợ xấu đã xử lý. Thực hiện Nghị quyết 42, trong quá trình xử lý nợ xấu các ngân hàng thương mại đã thu được những hiệu quả rất tốt. Khách hàng cũng bớt chây ì hơn khi xử lý nợ xấu bằng nghị quyết 42 thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo.
Liên quan đến kết quả xử lý nợ xấu, tại báo cáo được gửi đến Quốc hội về kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng công bố hồi tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng; triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu.
Nhờ đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 629,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, Thống đốc cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 137,7 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 47,97 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51,12 nghìn tỷ đồng.