MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics

“Để đón đầu các chuỗi cung ứng, cần tăng cường công tác triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics trên địa bàn thành phố, trong đó đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kêu gọi đầu tư của 6 dự án xây dựng trung tâm logistics" - đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết.

Thông tin trên được đại diện Sở Công Thương TPHCM nêu ra tại Diễn đàn Logistics TPHCM với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng: Triển vọng và Thách thức”, chiều 29/11.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Công Luân - Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TPHCM - cho biết, với những thuận lợi đặc thù về thương mại và vận tải quốc tế, TPHCM đã và đang có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ logistics ở thành phố chưa được đầu tư đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong thời gian tới, Thành phố cũng chưa có trung tâm logistics quy mô lớn và chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương, TPHCM hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics (chiếm 36,7% cả nước). Thành phố cũng chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước (khoảng 2.700 doanh nghiệp), đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong hoạt động giao thông vận tải, hậu cần, logistics, giúp TPHCM duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu trong hoạt động logistics trong khu vực và cả nước.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ hoạt động logistics trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, từ 40-50%. Bên cạnh đó, hiện nay, chỉ có 1 dự án Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức) được cấp phép theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

TPHCM có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Luân thông tin về những kế hoạch sắp tới để giúp ngành logistic TPHCM phát triển. Ảnh: Hữu Huy.

“Để đón đầu các chuỗi cung ứng, cần tăng cường công tác triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics trên địa bàn thành phố. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kêu gọi đầu tư của 6 dự án xây dựng trung tâm logistics tại TP.Thủ Đức (Long Bình, Linh Trung, Cái Lái - Phú Hữu), huyện Bình Chánh (xã Tân Kiên), huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ) và huyện Nhà Bè (xã Hiệp Phước)” - ông Luân cho hay.

Cũng theo ông Luân, hiện nay Sở Công Thương TPHCM đã thành lập tổ công tác thực hiện các thủ tục kêu gọi đầu tư để chủ động, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát vướng mắc vướng mắc về pháp lý quy hoạch, đất đai, đề xuất, báo cáo UBND thành phố hướng xử lý, tháo gỡ để triển khai nhanh nhất đối với 6 dự án xây dựng trung tâm logistics trên.

Bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM - cho biết, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút, sức mua suy giảm, nhưng với kết quả thu hút đầu tư FDI 10 tháng năm nay đã cho thấy nước ta vẫn đang là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang lại nhiều cơ hội, cũng như không ít thách thức đi kèm cho doanh nghiệp trong nước. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp logistics tại TPHCM cần có bước chuyển mình để thích nghi sự biến động của thị trường và phát triển bền vững” - bà Phương nhìn nhận.

TPHCM có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics - Ảnh 2.

Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Phạm Nguyễn.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hương Giang - đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) - cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, hiện nay ngành logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

“Điều có thể dễ dàng nhìn thấy là Việt Nam không phải là sự lựa chọn duy nhất. Khi các chuỗi cung ứng quan sát và phân tích, họ cũng sẽ đặt Việt Nam bên cạnh những nước như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia… Để đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng thì nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng. Nếu không có đội ngũ nhân lực có trình độ thì những yếu tố như tận dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, áp dụng công nghệ số vào quản lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi. Đơn cử, Ấn Độ hiện nay đã vượt xa Việt Nam và nhiều quốc gia về số lượng lẫn chất lượng trong khía cạnh nhân lực về ngành công nghệ số” - bà Hương Giang nhìn nhận.

Theo Hữu Huy

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên