MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Công bố danh sách 28 dự án thu hồi đất trong năm 2018

11-10-2018 - 17:20 PM | Bất động sản

HĐND TPHCM vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-HĐND về việc 28 dự án cần thu hồi đất, trong đó có dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên. Tổng quy mô sử dụng đất của 28 dự án là 3.649ha, trong đó 1.722ha đất trồng lúa.

Theo Nghị quyết 80 ngày 19-6-2018 của Chính phủ, TPHCM được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp các loại, nhằm phục vụ phát triển cơ cấu kinh tế, xã hội.

Theo đó, HĐND TP đã ban hành tờ trình Nghị quyết thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất; dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa ở TP.

Cụ thể, 8 khu dân cư (KDC) chiếm 329ha đất lúa gồm: KDC Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), chủ đầu tư là CTCP Thạnh Mỹ Lợi, diện tích 136ha, trong đó 84,59ha đất lúa.

KDC và hạ tầng kỹ thuật tại Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 đang kêu gọi chủ đầu tư, diện tích 80ha, trong đó 43,53ha đất lúa.

KDC Khu E, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, diện tích 61ha, trong đó 30ha đất lúa.

KDC Hoàn Cầu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, đang lựa chọn chủ đầu tư, diện tích 67ha, trong đó 48ha đất lúa.

KDC xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, chủ đầu tư CTCP Phát triển Nam Sài Gòn, diện tích 17,15ha, trong đó 14,78ha đất lúa.

KDC Phong Phú tại Khu chức năng số 15 Đô thị mới Nam TP tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chủ đầu tư Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hiệp Quế, diện tích 34,5ha, trong đó 25,41ha đất lúa.

KDC Bắc Phước Kiển tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, chủ đầu tư CTCP Quốc Cường Gia Lai, diện tích 91,69ha, trong đó 60,3ha đất lúa.

KDC Hiệp Phước 2 thuộc Khu đô thị Cảng Hiệp Phước tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, chủ đầu tư IPC, diện tích 29,4ha, trong đó 22,47ha đất lúa.

20 dự án khác chiếm 132,162ha đất lúa, như Khu cảng hạ lưu Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), chủ đầu tư IPC, diện tích 384,71ha, trong đó 268,13ha đất lúa.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh, diện tích 426,93ha, trong đó 167,85ha đất lúa. Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu vành đai cây xanh cách ly tại các xã Đa Phước và Phong Phú, huyện Bình Chánh, chủ đầu tư Ban Quản lý Khu liên hợp xử lý chất thải TP, diện tích 268,79ha, trong đó 159,71ha đất lúa.

Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vành đai cây xanh cách ly (giai đoạn 2) tại xã Thái Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, chủ đầu tư Ban quản lý Khu liên hợp xử lý chất thải TP, diện tích 197,19ha, trong đó 45,37ha đất lúa.

Dự án xây dựng bến thủy nội địa và trồng cây xanh cách ly tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS, diện tích 39,6ha, trong đó 29,2ha đất lúa.

Khu công viên đa năng Park City tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, chủ đầu tư CTCP Park City; diện tích 49,47ha, trong đó 28,81ha đất lúa.

Bến xe Miền Tây (thuộc một phần khu E do IPC làm chủ đầu tư dự án bồi thường) tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, chủ đầu tư Tổng Công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn TNHH MTV, diện tích 20ha, trong đó 11,38ha đất lúa.

Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3 tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, chủ đầu tư IPC, diện tích 392,89ha, trong đó 299,64ha đất lúa.

Theo UBND TP.HCM, thời gian qua TP.HCM đã tiến hành rà soát và thực hiện thu hồi chủ trương đầu tư hoặc quyết định giao đất nhiều dự án, với tổng diện tích lên đến 6.000ha.

Theo đó, những khu vực đã có quy hoạch, đã có chủ trương đầu tư, chủ trương thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất, nhưng chậm hoặc chưa triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư như khu đô thị Bắc Nhà Bè- Nam Bình Chánh, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi… đã làm hạn chế quyền lợi của người dân.

Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân khách quan do nguồn gốc sử dụng đất trên địa bàn thành phố rất phức tạp, trong khi hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai, theo dõi biến động trong sử dụng đất chưa đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực tế, đã dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh nhiều dự án.

Về nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, địa phương, đơn vị và lãnh đạo sở ngành thiếu sâu sát, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, thiếu đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Do đó, TP.HCM đã giao UBND các quận huyện rà soát, giao Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM hủy bỏ việc thu hồi đất để thực hiện dự án, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất; công bố việc hủy bỏ cho người dân được biết để thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên