MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM đảm bảo đủ hàng kể cả khi cách ly toàn thành phố 60 ngày

31-05-2021 - 09:02 AM | Thị trường

TP.HCM đảm bảo đủ hàng kể cả khi cách ly toàn thành phố 60 ngày

Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, để đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân, Sở Công Thương TP.HCM đã đặt ra 3 tình huống khác nhau để có những giải pháp cung ứng khả thi...

Số liệu thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hiện có hơn 9.400.000 nhân khẩu cư trú, tạm trú, vãng lai… do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thiết yếu bình quân một ngày của người dân trên địa bàn Thành phố là rất lớn.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân trên địa bàn chủ yếu từ 03 nguồn chính: các doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 30% - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% -70% thị phần; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 10% - 20% thị phần.

TÌNH HUỐNG 1: CÁCH LY MỘT SỐ KHU VỰC QUẬN, HUYỆN, CÁC TUYẾN ĐƯỜNG

Trong tình huống 1, Sở Công thương TP.HCM đề ra bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng, cách ly một số khu vực quận, huyện, phường, xã, khu phố, thôn, ấp, các tuyến đường trên địa bàn Thành phố.

Dự báo thị trường khi đó, người dân sẽ có tâm lý tăng cường mua sắm các hàng hóa thiết yếu trong thời gian phòng chống dịch. Nhu cầu hàng hóa tăng mạnh tại một số thời điểm nhất định.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn Thành phố vẫn tiếp tục được duy trì trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt,nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, không gián đoạn, đảm bảo cung ứng hàng hóa liên tục cho người dân trên địa bàn.

Giải pháp mà Sở Công thương TP.HCM đưa ra lúc này là tập trung dự trữ, đảm bảo nguồn nguyên liệu thiết yếu để đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, tối thiểu của người dân trên địa bàn trong thời gian cách ly.

Doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị nguyên vật liệu, cung ứng nguồn hàng tăng từ 50% - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối trên địa bàn.

Mặt khác, tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử. Hệ thống phân phối hiện đại, chủ động tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ… đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Tăng 100% lượng hàng dự trữ tại các kho chứa.

Tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu. Không để xảy ra tình trạng nâng giá các mặt hàng thiết yếu, đầu cơ trục lợi, gom hàng, tổ chức bán hàng niêm yết giá.

Phối hợp với các địa phương, tỉnh thành lận cận xây dựng kế hoạch tập trung sản xuất, dự trữ hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa kịp thời trong tình huống dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường công suất tối đa, mở rộng quy mô kho chứa, tăng cường dự trữ hàng hóa. Tổ chức các kho chứa lớn, tăng cường tổ chức thu mua, dự trữ hàng hóa từ các tỉnh thành, tăng cường dự trữ, chủ động, đảm bảo nguồn cung.

TÌNH HUỐNG 2: CÁCH LY TOÀN THÀNH PHỐ 30 NGÀY

Với tình huống thứ 2 khi có lệnh cách ly toàn thành phố 30 ngày, Sở Công Thương dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa tăng mạnh tại một số thời điểm nhất định. Xuất hiện tình trạng quá tải, tập trung đông người tại các hệ thống phân phối để mua sắm hàng hóa. Đồng thời, có thể xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá một số mặt hàng thiết yếu.

Người dân không ra đường, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Và họ được cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương án tổ chức cung ứng thực phẩm của Sở Công Thương.

Giải pháp đặt ra là tiếp tục triển khai các giải pháp tình huống 1. Tổ chức rà soát, đánh giá năng suất phục vụ, cung ứng hàng hóa của từng hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, địa điểm bán lẻ... trên từng địa bàn, khu vực. Xây dựng mô hình, phương án tổ chức phân phối, cung ứng cho người dân hiệu quả, hợp lý.

Đồng thời, tổ chức phân phối, cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn theo từng khu vực, cụm. Phát thẻ, mã code khi mua sắm cho mỗi gia đình. Quy định cụ thể giờ, địa điểm, số lần mua sắm đối với từng hộ gia đình và bố trí các điểm bán tập trung trong khu dân cư để tăng cường khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Xây dựng, đẩy mạnh triển khai phương án hỗ trợ giao hàng, giao hàng miễn phí tận nhà cho người dân; Khuyến khích người dân mua hàng qua điện thoại, trực tuyến.

TÌNH HUỐNG 3: CÁCH LY TOÀN THÀNH PHỐ TIẾP 30 NGÀY

Tình huống 3 được đặt ra nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng và tiếp tục cách ly toàn Thành phố 30 ngày.

Khi đó, tâm lý người dân đã dần ổn định sau thời gian dài không ra đường. Người dân tiếp tục không ra đường, trừ trường hợp thật sự cần thiết (mua thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết, làm việc các lĩnh vực thiết yếu).

Trong trường hợp này, nhu cầu tiêu dùng của người dân đi vào ổn định do đã thích ứng với môi trường, điều kiện cách ly xã hội. Họ tiếp tục được cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương án tổ chức cung ứng thực phẩm của Sở Công Thương theo tình huống 2 (cấp phát thẻ, mã code để mua sắm, phân bổ lịch trình mua sắm).

Hoạt động sản xuất hàng hóa tiếp tục duy trì trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt. Hoạt động theo thời gian, tần suất cụ thể theo phương án tổ chức cung ứng thực phẩm của Sở Công Thương nhưng vẫn đảm bảo năng suất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tiếp tục triển khai các giải pháp tình huống 1, 2. Song các sở ban ngành khẩn trương trình UBND Thành phố quyết định các chính sách hỗ trợ để các hộ chăn nuôi, trồng trọt, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiếp tục, tích cực công tác tạo nguồn hàng, phục vụ sản xuất.

Trình UBND Thành phố ban hành cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu, bổ sung kịp thời nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân. Đảm bảo hoạt động lưu thông, vận chuyển nguồn hàng giữa các địa phương được thuận lợi, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất.

Theo Song Hà

Vneconomy

Trở lên trên