TP.HCM: Dân dở khóc dở mếu vì nâng đường, nhà biến thành... hầm
Hàng loạt người dân tại một số quận của TP.HCM đang phải sống trong cảnh nhà bỗng biến thành “hầm” do dự án nâng đường.
Mặc dù sở TN&MT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét về chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nhưng cũng chính cán bộ của Sở này thừa nhận, việc những hộ dân này có chịu cảnh ngập nước nữa hay không thì cũng chưa trả lời được.
Nhà biến thành... “hầm”
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, hiện 4 quận của TP.HCM có nhà dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng đường. Trong đó, với các kế hoạch đã và sắp triển khai, quận 8 bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 7.000 hộ, mặt đường cao hơn nhà 0,4-1m. Ở quận Thủ Đức và Bình Thạnh cũng ảnh hưởng đến hàng trăm căn nhà khi thi công làm con đường Phạm Văn Đồng. Về phía địa bàn quận 6, hiện có 617 trường hợp bị ảnh hưởng do nâng đường. Trong đó, độ cao trung bình có nhiều nhà thấp hơn mặt đường tới 1m, có nơi cao ngang... nóc nhà.
Mới đây nhất, hàng trăm hộ dân trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) cũng khốn khổ khi nhà bỗng thấp hơn mặt đường 1-1,2m. Nhà biến thành “hầm” gây nóng nực mùa hè và thành bể nước mùa mưa, rất bất tiện cho sinh hoạt. Hiện, một số hộ có điều kiện tại đây đã nâng lại nền nhà cao hoặc bằng hơn so với mặt đường. Bên cạnh đó, nhiều hộ không đủ điều kiện để “chạy” theo đường đành phải chịu trận với cuộc sống hằng ngày bất tiện, mặt đường bỗng nhiên thành hàng rào chắn trước cửa nhà.
Trao đổi với PV, bà Huỳnh Thị Thanh Lài (SN 1955, nhà số 578, đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân) bày tỏ: “Từ ngày làm đường, đời sống bà con ở đây bị đảo lộn. Cứ vài năm đường này lại nâng, nhà của tôi cũng theo không kịp với đường. Cách đây chưa đầy 10 năm, đường này đã được nâng cấp giờ lại tiếp tục nâng, biến nhà tôi thành “hầm” rồi. Nâng đường là để ích nước lợi nhà, chống ngập lụt vào mùa mưa nhưng cũng phải thấu tình hợp lý. Bởi, ngoài việc ảnh hưởng đến làm ăn, buôn bán, nó còn ảnh hưởng đến sinh hoạt. Trước đây, khu đất này vốn là bãi đất bùn, sau đó chúng tôi đến đây dựng nhà lên sinh sống. Cho nên, nền nhà này rất yếu, nâng đường như thế này không những khiến nhà tôi thành “hầm” mà vách tường có thể nứt bất cứ lúc nào”.
Cùng chung quan điểm với bà Lài, ông Nguyễn Văn Long (SN 1958, nhà số 580, đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân) chia sẻ: “Chủ trương nâng đường, nâng cao cơ sở vật chất thì tôi không cản. Nhưng cũng phải nói cho người dân biết trước, để chúng tôi còn biết mà tích lũy tiền bạc nâng cấp nhà cửa theo. Cách đây ít lâu, cung đường này đã được nâng cấp và tôi nghĩ thế là xong nên bỏ rất nhiều tiền bạc để sửa nhà. Tuy nhiên, lúc này lại tiếp tục nâng khiến nhà tôi phải sửa chữa bao nhiêu lần”.
Trái ngược với các khu vực trên, tại đường Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình), nhiều người dân cũng lao đao khi đường đang thi công bị hạ cốt nền, khiến nhà dân cao hơn mặt đường cả mét. Đáng chú ý, theo khảo sát của PV, nặng nhất là đoạn Bạch Đằng giao với Hồng Hà, có nhà cao hơn mặt đường tới hơn 1m. Bà Phạm Thị Lộc (ngụ nhà 137 Bạch Đằng) cho biết: “Đơn vị làm đường đã hạ cốt nền khiến nhà tôi cao hơn mặt đường cả mét. Bây giờ tôi không biết phải xử lý thế nào nữa, nếu hạ xuống thì nền móng, đường ống nước, hầm cầu... đều phải làm lại hết”.
Chưa biết còn ngập hay không
Lý giải về việc nhà biến thành “hầm” do dự án nâng cấp mặt đường, ông Mai Thanh Sang – Phó Chủ tịch UBND P.An Lạc (Q.Bình Tân) thông tin: “Dự án nâng đường Kinh Dương Vương được khởi công vào quý 4 năm 2015 và dự kiến đầu năm 2017 sẽ hoàn thành. Dự án do trung tâm Chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư”.
Theo ông Sang, khi nâng đường đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Dưới góc độ địa phương, ông Sang cho biết: “Đã tiếp nhận và sẽ chuyển đến chủ đầu tư kiến nghị của người dân. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ người dân và sẽ tạo điều kiện cho người dân được hoàn thành thủ tục sửa chữa nâng nền nhanh chóng. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ thêm cho những hộ khó khăn, không có điều kiện vay vốn để nâng nền nhà mình”.
Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Chu Vĩnh Lăng – Phó trưởng phòng Kinh tế - Đất, sở TN&MT TP.HCM xác nhận, trên cơ sở đề xuất của sở Xây dựng TP.HCM, sở TN&MT đã tổ chức họp lấy ý kiến đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Theo đó, thống nhất cần có chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình cá nhân bị ảnh hưởng.
Theo ông Lăng, để khẳng định rằng, sau khi được hỗ trợ, những hộ dân này có chịu cảnh ngập nước nữa hay không, thì sở TN&MT chưa trả lời được. Bởi, theo ông này, vấn đề chống ngập là chương trình lớn của thành phố và nó còn liên quan nhiều Sở khác như sở Giao thông vận tải, sở Xây dựng...
“Việc nâng cấp sửa chữa này chỉ bảo đảm cho người dân là có đường đi, nền nhà cao hơn mặt đường và không bị ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt. Còn chuyện ngập hay không là do địa bàn mỗi quận huyện khác nhau. Và phụ thuộc vào chương trình chống ngập của TP. Nếu sau khi nâng nền, nhà dân cao hơn trước nhưng khu vực đó nằm trong diện ngập của TP thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi ngập”, ông Lăng nói.
Được biết, theo tờ trình của sở Xây dựng, đối với gia đình, cá nhân có tài sản thế chấp, hình thức hỗ trợ sẽ được vay theo chương trình vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. Theo đó, mức vay tối đa 500 triệu đồng với lãi suất 4,7% trong thời hạn 15 năm. Đối với trường hợp hộ gia đình không có tài sản thế chấp, đa phần là hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sẽ có mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ với lãi suất 3%/năm.
Trong khi đó, trả lời về vấn đề tại đường Bạch Đằng, ông Nguyễn Vĩnh Ninh – Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, TP.HCM cho hay: “Dự án nâng cấp và mở rộng đường Bạch Đằng và Hồng Hà (quận Tân Bình) nằm trong dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức) đã xác định cao độ mặt đường được thực hiện đúng theo quy hoạch TP.HCM. Trước những phản ánh của các hộ dân, chúng tôi đã họp để các bên liên quan xem xét giải quyết”.