MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại di động: “Không chấp nhận được”

07-05-2019 - 12:49 PM | Thị trường

TP.HCM thừa nhận điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên...

UBND TP.HCM mới có văn bản Bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước". TP.HCM cho biết, nhằm đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước, lại vừa sử dụng thuế như một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô hiệu quả, có thể nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế đối với một số loại thuế hiện hành ở Việt Nam.

Theo TP.HCM, ngoại trừ thuế xuất khẩu, nhập khẩu, cả 3 sắc thuế tiêu dùng hiện hành của Việt Nam đều có dư địa để mở rộng cơ sở thuế. Cụ thể, về thuế tiêu thụ đặc biệt , địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động , camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

“Nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp qua đó, giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên”, văn bản nêu.

Với điện thoại di dộng, TP.HCM thừa nhận đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, mỗi loại thuế có mục đích khác nhau, bối cảnh nguồn thu thuế xuất nhập khẩu giảm nên phải tăng thu nội địa, thuế cũ không nâng mức lên được nên mở rộng, thêm đối tượng đánh thuế.

"Điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hơn 2.500 USD/năm, muốn kích thích sản xuất, tiêu dùng phải khoan sức dân, muốn có nguồn thu cần nuôi dưỡng nguồn thu, vắt kiện và tận thu là "chết". Đề xuất của TP.HCM theo quan điểm của tôi là quá cực đoan. Thuế nợ đọng còn nhiều chưa xử lý mà mở rộng đối tượng đánh thuế là không nên. Ngân sách có thu và chi nên cần xem xét cải cách cả khoản chi", ông Long nói.

Đối với mặt hàng điện thoại di động, ông Long cho rằng, thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 việc sử dụng một chiếc điện thoại thông minh là rất bình thường. Thuế tiêu thụ đặc biệt là mặt hàng nhà nước không khuyến khích, các mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu... "TP.HCM đề xuất như vậy là không chấp nhận được", ông Long nhấn mạnh.

Với thuế giá trị gia tăng, văn bản của UBND TP.HCM nêu, cơ sở thuế giá trị gia tăng hiện hành của Việt Nam bị thu hẹp khá nhiều do có tới 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. So với thông lệ quốc tế thường từ 4 đến 8 nhóm, số lượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng như vậy là khá nhiều.

Theo đó, TP.HCM cho biết, cần nghiên cứu thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu loại thuế này, chỉ nên giữ lại đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị gia tăng như dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán, vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh,...

TP.HCM cũng đề xuất bổ sung vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường đối với pin, ắc quy, các loại thuốc bảo quản thực vật vì đây là hàng hóa mà quá trình sản xuất và sử dụng gây ô nhiễm môi trường.

Về việc mở rộng cơ sở thuế thu nhập doanh nghiệp, UBND TP.HCM cũng đề xuất việc thu hẹp diện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Với thuế thu nhập cá nhân, nghiên cứu giảm bớt một số khoản thu nhập được trừ không tính vào thu nhập chịu thuế, duy trì mức giảm trừ gia cảnh trong một thời gian thích hợp trong tương lai.

Thuế tài sản theo nhận định của TP.HCM, dư địa mở rộng cơ sở sắc thuế này hiện nay ở Việt Nam chủ yếu nằm ở bất động sản. Theo đó, hiện Việt Nam mới đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng phi nông nghiệp mà chưa đánh thuế đối với nhà và công trình kiến trúc trên đất (bất động sản).

Cơ quan này cho rằng, nên xem xét mở rộng cơ sở đánh thuế tài sản, song cần nghiên cứu đánh thuế bất động sản với một ngưỡng miễn thuế nhất định để không ảnh hưởng người thu nhập thấp.

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên