MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2

05-12-2022 - 14:00 PM | Bất động sản

TP.HCM kiến nghị đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, góp phần tăng thu ngân sách, làm cơ sở thực tiễn xây dựng chính sách chung về sau.

Tại Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, UBND TP.HCM đề xuất, thực hiện quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân (trừ bất động sản duy nhất).

TP.HCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 - Ảnh 1.

TP.HCM muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 của người dân

Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay gây lãng phí nguồn lực.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, việc TP.HCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên là đi đúng với dự định đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính đã nêu ra suốt thời gian qua.

Theo ông Châu, sắc thuế đánh vào bất động sản thứ 2 sẽ có tác động tích cực là hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp, giá bất động sản sẽ không bị đẩy lên cao, giúp thị trường ngày càng minh bạch.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, về lý thuyết việc đánh thuế tài sản, căn nhà thứ hai là cần thiết, tuy nhiên để có thể làm được điều đó vẫn còn nhiều “bài toán” phải giải quyết.

Đầu tiên cần làm là có cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện, thống kê, quản lý tài sản của người dân, để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có một nhà.

Bên cạnh đó, cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Từ đó mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao. Cuối cùng là không nên đánh thuế tất cả mọi người, chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế và nên miễn thuế cho hộ nghèo.

TP.HCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 - Ảnh 2.

Việc thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên ở TP.HCM cần được ưu tiên thực hiện ở quận nội thành (Ảnh: LV)

Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa cho rằng việc đánh thuế căn nhà thứ hai là một trong những chính sách đúng và tạo công bằng xã hội, hạn chế việc sở hữu quá nhiều bất động sản không mang tính khả dụng. Tuy nhiên việc có thể đánh thuế căn nhà thứ hai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trước khi đánh thuế tài sản, một trong những yếu tố quan trọng nhất là cần có một thị trường minh bạch thông tin, thống kê rõ ràng về số lượng sở hữu nhà ở của từng cá nhân, có thể số hóa quản lý được tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những điều chỉnh về mặt chính sách, thủ tục hành chính để người dân có thể dễ dàng sở hữu nhà đất, đất đai. Cơ bản sau khi thực hiện được hai yếu tố trên, sau đó mới tính được đến việc đánh thuế tài sản, ông Khánh Quang cho biết.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nhấn mạnh nhiệm vụ ban hành sắc thuế Bất động sản với nội dung cụ thể hơn, chủ yếu bao gồm: Rà soát và xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và tạo lộ trình hợp lý; đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên. Việc ban hành Luật thuế Bất động sản hợp lý là nhiệm vụ tối quan trọng được đặt ra. Vấn đề còn lại là thống nhất ý chí trong bộ máy Nhà nước để thực hiện Nghị quyết 18.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên ở TP.HCM cần được ưu tiên thực hiện ở quận nội thành như quận 1, quận 3. "Đây là vấn đề thí điểm, nếu ngay lập tức áp dụng trên diện rộng sẽ ảnh hưởng tới Chiến lược nhà ở quốc gia, Nhà ở vừa túi tiền".

Phương Uyên

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên