TPHCM, Hà Nội phát triển theo hướng đa trung tâm, bất động sản vùng ven bứt tốc mạnh mẽ
Vài năm trở lại đây, những đại đô thị tại các quận huyện vùng ven trung tâm Hà Nội, TPHCM liên tục được xây dựng đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn khác cho hai vùng đô thị này, khi vừa giảm tải được khu vực trung tâm vừa tạo nên những đô thị hiện đại, trung tâm mới của cửa ngõ thành phố.
Tại TPHCM, có thể kể đến hàng loạt những khu trung tâm mới đã và đang hình thành. Ở khu Nam, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã trở thành một trong những khu đô thị kiểu mẫu của thành phố, trở thành trung tâm phát triển của khu vực phía Nam. Ở phía Đông hiện đang được đề xuất xây dựng thành 'Thành phố phía đông' trong tương lai của TP.HCM. Tại khu vực này đã hình thành nên những đại đô thị như Vinhomes Grand Park, được dự kiến sẽ trở thành trung tâm mới của khu vực phía Đông.
Còn tại Hà Nội, xu hướng chuyển dịch từ mô hình thành phố đơn tâm sang thành phố đa trung tâm cũng ngày một rõ rệt với sự xuất hiện của các đại đô thị như Ciputra ở phía Bắc, Gamuda ở phía Nam, Vinhomes Ocean Park ở phía Đông, Bắc An Khánh và Vinhomes Smart City ở phía Tây. Các "thành phố trong thành phố" này được đánh giá là những thỏi nam châm với hấp lực lớn "hút" cư dân từ nội đô ra ngoại ô, tạo thành những cực phát triển đa tâm mới.
Đánh giá về sự phát triển đa tâm của hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường từng cho biết các khu đại đô thị có diện tích rộng hàng trăm ha đã tạo nên những trung tâm mới được đầu tư đồng bộ, nhiều sản phẩm phong phú gắn với nhiều chủ đề như đô thị mới công nghiệp, đô thị mới nông nghiệp, đô thị mới du lịch, đô thị mới thể thao… góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Cũng theo ông Võ, hiện nay các đại đô thị vùng ven phát triển vẫn dựa vào hai hướng chính: phát triển "xanh" và phát triển "thông minh". Phát triển "xanh" là phát triển đô thị gắn với các tiêu chí bảo đảm môi trường như cây xanh, mặt nước, khí trời, ánh sáng trời, giảm phát thải, giảm sử dụng năng lượng. Phát triển "thông minh" là phát triển hệ thống quản lý và dịch vụ đô thị dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động phân tích thông tin nhằm thỏa mãn cao nhất nhu cầu của cư dân với chi phí thấp nhất.
Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Xuân Lương, phát triển đô thị đa trung tâm theo đúng nghĩa phải có trung tâm lớn, trung tâm nhỏ. Hiện thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có trung tâm lớn là trung tâm hiện hữu, việc còn lại xây dựng các trung tâm nhỏ theo các hướng khác nhau giúp kéo giãn mật độ dân số nội thành, tạo nên không gian sống xanh. Đặc biệt, mô hình đa trung tâm có thể giải quyết các bất cập trong hạ tầng kỹ thuật, xã hội (ngập nước, kẹt xe, không gian công cộng) và thích hợp với đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở, Hà Nội thành đô thị thông minh tầm nhìn đến năm 2025", ông Lương nhấn mạnh.
Đứng ở góc cạnh người mua bất động sản, với việc dân số ngày càng tăng mạnh ở các vùng nội đô dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp. Do đó, tại những thành phố lớn, đang hiện hữu khá rõ nét xu hướng lựa chọn mua nhà hoặc căn hộ ở những khu đô thị tại các quận, huyện ven trung tâm vừa phù hợp với khả năng tài chính; đồng thời tìm kiếm môi trường sống trong lành, an nhiên.
Bên cạnh đó, những sản phẩm nhà đất thuộc các khu đô thị đa tâm đang tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng với các sản phẩm có giá cạnh tranh hơn, môi trường sống thông thoáng hơn trong khi đó giao thông kết nối dễ dàng đến khu trung tâm. Đặc biệt, đối với nhiều nhà đầu tư bất động sản, bất động sản tại các đại đô thị ven đô đang có sức hút bởi tiềm năng tăng giá mạnh, phù hợp với nhiều loại hình đầu tư cho thuê.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển theo mô hình đa tâm đã giúp hình thành các đại đô thị mới, tạo thành những trung tâm mới đang giúp giảm tải cho khu trung tâm cũ của các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Bên cạnh đó, những khu trung tâm này còn tạo môi trường sống hiện đại với tiện ích đẳng cấp, hạ tầng kết nối đồng bộ tạo thành một "cực" phát triển mới, tạo động lực tăng trưởng phát triển kinh tế, xã hội.