MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tp.HCM hạn chế phát triển nhà thấp tầng 10 năm tới, doanh nghiệp địa ốc nói gì?

01-07-2020 - 14:59 PM | Bất động sản

Tùy vào nhu cầu của người dân và kế hoạch phát triển đô thị của địa phương mà chọn lựa hình thức phát triển phù hợp…

Trong Đề án "Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030" do Sở Xây dựng trình UBND Tp.HCM mới đây có nhiều nội dung liên quan đến câu chuyện phát triển nhà ở tại TP trong vòng 10 năm tới. Trong đó, theo đề án, Tp.HCM không khuyến khích đẩy mạnh phát triển nhà ở thấp tầng để tận dụng quỹ đất làm nhà ở cao tầng nhằm đáp ứng về số lượng và tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án nhà ở mới.

Trước thông tin này, một số ý kiến đã chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân  xung quanh câu chuyện phát triển nhà ở của TP trong giai đoạn 10 năm tới.

Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty VietHome cho rằng, khi lập quy hoạch cần xem xét, dựa vào 3 yếu tố chính là tổng quy hoạch về giao thông, hạ tầng; mức độ phát triển đô thị và dân số; khả năng đáp ứng về nhu cầu sở hữu của người dân.

Theo ông Đào, vấn đề quy hoạch là rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường BĐS nói riêng, cả TP nói chung. Vì thế, cần đưa ra định hướng rõ ràng, các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể cho từng khu vực và có lộ trình phát triển để lập. Chẳng hạn, trong đề án, khu vực nào cho bao nhiêu % xây dựng thấp tầng, bao nhiêu % xây cao tầng. Điều này phải hài hòa, tương ứng với vấn đề đường xá, giao thông của từng khu vực đó.

"Còn nếu chỉ đưa ra một định hướng, chủ trương chung chung thì rất khó thực hiện, rất khó đi vào thực tế. Giả sử, một doanh nghiệp muốn phát triển khu biệt thự trên khu đất, theo đề xuất thì phải có nhà cao tầng mới được duyệt không thì sẽ không được duyệt", ông Đào nhấn mạnh.

Tp.HCM hạn chế phát triển nhà thấp tầng 10 năm tới, doanh nghiệp địa ốc nói gì? - Ảnh 1.

BĐS là lĩnh vực đầu tư dài hạn vì vậy việc định hướng trong chiến lược tổng thể chung của thành phố 10 hay 20 năm là rất cần thiết, nhưng cần cụ thể hóa các giải pháp phát triển. Ảnh: Hạ Vy

Theo vị CEO này, kiểu định hướng chung chung sẽ gây nên những rào cản không đáng có với thị trường BĐS. Cụ thể, rất dễ dẫn đến vấn đề pháp lý dự án của doanh nghiệp BĐS lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, tình trạng chậm trễ dự án tiếp tục xảy ra trên thị trường. Ngay cả vấn đề pháp lý dự án hiện nay cũng đang đi theo kiểu định hướng chung chung, làm khó nhiều doanh nghiệp.

Chưa kể, nếu khuyến khích phát triển nhà cao tầng một cách chung chung thì những doanh nghiệp đang đi xin phép làm nhà cao tầng nhưng không đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng giao thông, dân số…lại vô hình chung đang đi ngược lại được hưởng lợi, dễ nhiễu thị trường.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land chia sẻ: BĐS là lĩnh vực đầu tư dài hạn vì vậy việc định hướng trong chiến lược tổng thể chung của thành phố 10 hay 20 năm là rất cần thiết.

Thị trường BĐS hiện nay đang phát triển vẫn còn mang yếu tố tự phát, còn nhiều bất cập và chưa cân bằng giữa các khu vực phát triển. Để đưa ra giải pháp phát triển dài hạn và bên vững cần đánh giá lại thực trạng thị trường theo khu vực, theo địa phương để nhận thấy rõ nhưng điểm còn hạn chế, nhưng nguy cơ phải đối mặt và cơ hội phát triển trong tương lai. Chiến lược phát triển các dự án BĐS phải đi song hành với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật cũng như chiến lược phát triển về kinh tế, xã hôi của Thành phố.

Theo bà Hương, điểm tích cực trong dự thảo lần này là có phân vùng phát triển theo khu vực quận huyện trong nội thành và ngoại thành. Đi kèm theo đó là các cơ chế chính sách định hướng và tạo động lực phát triển.

Tuy nhiên cần cụ thể hóa các giải pháp phát triển và lộ trình thực hiện dựa trên nền tảng đánh giá và phân tích thực trạng tại các khu vực quận huyện thành phố nhằm tránh trường hợp quy định chung, không rõ ràng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, phát triển các dự án BĐS trên địa bàn thành phố, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS nói riêng và sự tăng trưởng kinh tế xã hội nói riêng.

"Ví dụ đối với các quận trung tâm, cần quy định rõ tỉ lệ cấp phép mới, mức tăng dân số tối đa cho phép, các điều kiện cho phép hoặc hạn chế một cách cụ thể. Quan trọng hơn nữa là giải pháp xử lý trong dài hạn về quy hoạch và phát triển hạ tầng tổng thể nhằm khơi thông nguồn lực phát triển cho thị trường BĐS", bà Hương chia sẻ.

Còn theo quan điểm của đại diện Phú Đông Group, tùy vào nhu cầu của người dân và kế hoạch phát triển đô thị của địa phương mà chọn lựa hình thức phát triển phù hợp chứ không nên chỉ tập trung phát triển một hình thức BĐS nào.

Trong đó, với phân khúc nhà phố thì điều kiện để phát triển là nên làm nhà phố ở những vùng đô thị vệ tinh, nằm trong khu dân cư hiện hữu, với những tiện ích đầy đủ đảm bảo phục vụ đời sống cư dân. Bởi thực tế cũng đã chứng minh, việc phát triển nhà phố đại trà trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng lãng phí, bỏ hoang vì không có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng, tiện ích hợp lý.

Bên cạnh đó, việc phá triển phân khúc BĐS nào thì yếu tố uy tín và tiềm lực của chủ đầu tư là rất quan trọng. Một chủ đầu tư đủ tiềm lực, có tâm và có tầm sẽ có kế hoạch thích hợp để phát triển quỹ đất, cũng như quan tâm đến việc phát triển hệ thống tiện ích đầy đủ, hợp lý và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ đời sống cư dân.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên