TPHCM: Hàng loạt dự án chống sạt lở thi công ì ạch, cuộc sống người dân bị "hà bá" đe dọa
Nhiều dự án chống sạt lở tại các quận, huyện ở TPHCM thi công cầm chừng và không thể hoàn thành đúng tiến độ. Trong khi đó, người dân đang sinh sống dọc nhiều bờ sông lớn trên địa bàn đang trong nguy cơ nhà cửa đổ sụp xuống sông, nghiêm trọng nhất mỗi khi triều cường lên cao hay vào cao điểm mùa mưa.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 40 vị trí sạt lở, trong đó có 23 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí nguy hiểm và 1 vị trí bình thường.
Qua khảo sát trực tiếp tại 40 vị trí sạt lở, xuất hiện 3 đoạn có nguy cơ sạt lở cao tại bờ trái sông Sài Gòn khu vực nhà thờ Fatima (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức); bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng (ấp 1, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè). Trong đó, nghiêm trọng nhất hiện nay là dọc bờ sông Thanh Đa (quận Bình Thạnh), khi mà nơi đây đang có nhiều gói thầu thi công bờ kè đang có tiến độ rất chậm.
Lý giải về điều này, ông Phan Công Bằng - Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, cho biết khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án chống sạt lở là khâu giải tỏa di dời dân.
"Mặc dù TPHCM đã chỉ đạo các quận-huyện đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 1/1/2018, nhưng hầu hết đến nay vẫn chưa được giao như đã cam kết", ông Bằng cho biết.
Cụ thể, đối với dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2, sông Sài Gòn - khu vực KS Sài Gòn Domine), công trình có chiều dài tuyến kè 2.797m, tổng mức đầu tư xây lắp 281 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu thảm đá dưới nước khởi công vào tháng 8/2014, sau 1 năm thi công mới hoàn thành 95% phải ngưng do vướng mặt bằng.
Gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công tháng 6/2018 mới đạt 26%, cũng ngưng do vướng mặt bằng. Đối với dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 3, từ Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa), công trình xây dựng tuyến kè 3.241m với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, gồm thầu số 8, 9, 10 và 11. Hiện, gói thầu số 10 xây dựng gần 800m bờ kè đã hoàn thành, 3 gói thầu còn lại đang mời thầu và thi công cầm chừng.
Đối với dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 4, sông Sài Gòn - khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn), công trình có tổng chiều dài toàn tuyến 2.772m, trong đó 1.352m kè cũ và 1.420m kè mới, tổng mức đầu tư xây lắp khoảng 600 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, dự án chia làm 2 gói thầu chính. Gói thầu xây dựng dưới nước khởi công từ năm 2014, sau 1 năm thi công đạt khối lượng 93% và từ đó ngưng cho đến nay. Còn lại, gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công vào quý III-2018, đến nay khối lượng thi công đạt 12%.
Khu quản lý đường thủy nội địa TPHCM cho biết thêm năng lực các nhà thầu, trong đó có nhà thầu Anh Vinh đang nỗ lực đưa thiết bị, vật tư tập kết trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công khép kín bờ bao chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Song, công tác bồi thường quá chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Cũng theo ông Bằng, UBND quận Bình Thạnh đã ban hành quyết định phê duyệt chính sách bồi thường, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định bồi thường đối với các cơ quan, tổ chức và hồ gia đình thuộc phạm vi dự án.
Ban bồi thường đang lập các thủ tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc gửi tiền vào kho bạc theo quy định. Theo kế hoạch dự kiến, trong quý II tới sẽ tiếp tục bàn giao mặt bằng và quý IV sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng. Trước mắt, ban bồi thường quận Bình Thạnh, Khu quản lý đường thủy nội địa đang phối hợp vận động bàn giao mặt bằng 871m/2.772m cho triển khai, trước khi hoàn tất công tác bồi thường.
Được biết, UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo UBND các quận-huyện đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và cam kết thời gian bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án xây dựng kè phòng chống sạt lở; định kỳ hàng quý báo cáo tiến độ thi công cũng như tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn các quận - huyện, chủ đầu tư có liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt đơn giá Tl, T2.
Đồng thời, UBND các quận, huyện phải định kỳ hàng quý báo cáo tiến độ thi công cũng như tiến độ GPMB các dự án. Mới đây, để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 2 và 4 phường 27, 28 quận Bình Thạnh, UBND TPHCM đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, UBND TPhcm đã giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, UBND các quận 1, 2, 3, 5, 9, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ hoàn tất công tác thống kê, rà soát, đánh giá hiện trạng và phân loại các miệng thu nước trên địa bàn thành phố cần sửa chữa, thay thế.
Trước đó, UBND TPHCM đã chấp thuận đầu tư 25 công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ sông tại huyện Cần Giờ nhằm đảm bảo tính mạng người dân khu vực.