MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: “Hòn ngọc Viễn Đông” hay “Venice Viễn Đông”?

07-09-2016 - 09:01 AM | Bất động sản

Nguy cơ Sài Gòn chỉ còn một điểm ngập duy nhất là nơi đâu cũng đầy nước đang hiển hiện đằng xa.

Kỳ 1: Nước ngập bủa vây Sài Gòn do tắc tư duy?

Căn cứ trên đặc điểm hình thành và phát triển của Sài Gòn đã nêu, có thể rút ra một số phương án chống ngập như sau:

1. Nâng cao độ đồng bộ những khu vực thấp: Chiều hướng này khó khả thi vì chi phí quá cao, cách quãng trên dưới 10 năm lại phải bù lún, các công trình công cộng và dân sinh hiện hữu chưa có điều kiện cải tạo nâng cấp sẽ trở thành "hang động" giữa thành phố. Do đó chỉ nên áp dụng vào xây dựng mới, hoặc ở những cù lao hẹp, ít nhất ba mặt giáp kênh rạch lớn hoặc sông Sài Gòn, Đồng Nai.

2. Xây bờ bao, hệ thống đê và hồ điều tiết riêng biệt cho từng vùng trũng: Có thể tận dụng những con đường chính có cao độ chuẩn làm đê bao quanh từng khoảnh đất, nơi thấp nhất sẽ nạo vét thêm để biến thành hồ điều tiết. Chi phí chạy hệ thống bơm không lớn lắm nhưng quan trọng hơn cả là đào tạo đội ngũ khai thác có chuyên môn, biết vận hành phù hợp với dự báo thời tiết, con nước và qui trình xả lũ của thủy lợi cũng như thủy điện.

3. Xây dựng đồng bộ hệ thống cống xả chính toàn thành phố, có tầm nhìn ít nhất là nửa thế kỷ. Năng lực thoát nước phải tính đến những cơn mưa to nhất có thể xảy ra trong triều cường lớn.

Đã và đang có rất nhiều phương án chống ngập được thảo luận cũng như áp dụng thí điểm nhưng hiệu quả nhãn tiền chưa cao. Nguy cơ Sài Gòn chỉ còn một điểm ngập duy nhất là nơi đâu cũng đầy nước đang hiển hiện đằng xa.

Chẳng hạn thiết kế cống xả tự đóng khi thủy triều lớn, dùng máy bơm nước thải từ khu dân cư ra ngoài. Giải pháp này sẽ phá sản vài lần trong một năm khi triều cường trùng với mưa to. Hồ điều tiết đang được lên kế hoạch xây dựng trước tiên tại quận 4, quận 2, Tân Bình .v.v. về cảm quan thì hợp lý, nhưng chỉ riêng hồ thôi là không đủ để giải bài toán úng ngập của Sài Gòn.

Phương án chống ngập hợp lý nhất và chắc chắn đem lại hiệu quả nhất nên là sự kết hợp hữu cơ và đồng bộ cả ba cách đã kể trên.

Lấy ví dụ việc nâng cao độ đường An Dương Vương vừa diễn ra đơn phương, không kết hợp với hồ điều tiết, không có hệ thống máy bơm đẩy nước mưa và nước thải đã khiến người dân khổ sở từ khi bắt đầu khởi công. Những người có trách nhiệm đang nhọc nhằn và loay hoay thụ động điều chỉnh. Do không tính kỹ trước khi làm, câu hỏi "vốn ở đâu ra" đang khiến mọi việc lâm vào bế tắc.

Sẽ là một công đôi việc nếu công trình xây dựng đang thực hiện trên bán đảo Thủ Thiêm được chú trọng đúng mức, trở thành sa bàn vừa nghiên cứu vừa thực hành chống ngập cho toàn thành phố trong tương lai.

Bắt đầu bằng Đại lộ Đông Tây xuyên qua Thủ Thiêm, năm 2005 chúng tôi đã mục sở thị đất đắp nền đường cao trung bình từ 1,5m - 2m so với mức triều cường lớn nhất. Các con rạch tự nhiên không bị lấp chặn mà hiện đang được nạo vét, mở rộng và làm sạch. Một vài khu dân cư đã tính đến hồ điều tiết.

Con đường quan trọng dẫn đến Thủ Thiêm là hầm vượt sông Sài Gòn. Bản chất bốn đốt hầm ấy là cấu kiện cứng, liên kết bằng khớp nối mềm, neo xuống đáy sông. Trọng lực hầm cân bằng với lực archimede. Nếu đường hầm không may bị ngập đầy, trọng lượng nước thêm vào sẽ phá vỡ cân bằng, gây ra những tác hại không thể lường trước. Chúng tôi không rõ khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có kịch bản xử lý hầm vượt sông Sài Gòn nếu bị nước tấn công toàn diện chưa. Sức tàn phá của nó sẽ gấp hàng ngàn lần việc ngập hầm để xe trong vài chung cư trên đường Phan Xích Long vừa rồi. Thậm chí hầm có thể bị hủy hoại hoàn toàn.

Là một người dân thường đã gắn bó với Sài Gòn hơn 40 năm nay, tôi chỉ cố gắng trình bày trải nghiệm thực tế của bản thân trên cơ sở tham khảo giới hạn một số sách báo, tài liệu liên quan. Chắc chắn cái nhìn của tôi không thể nào sâu sắc và đầy đủ như một nhà chuyên môn được. Có điều tôi luôn lấy làm ngạc nhiên là đa số các bài viết về nguyên nhân và giải pháp chống ngập cho Sài Gòn đều chưa nghiêm túc xem xét thấu đáo việc thành phố đang bị lún rất nặng.

Rất nhiều vùng của TP HCM vốn xây dựng trên nền phù sa non như Thanh Đa Bình Thạnh, Thảo Điền - An Phú - An Khánh quận 2, Phú Mỹ Hưng quận 7 và Nhà Bè bị lún trung bình 1-2m trong 20 năm qua. Ngoài ra toàn thành phố cũng bị lún nhưng nhẹ hơn do khai thác nước ngầm bừa bãi.

Không ít tác giả lý luận rất cảm tính rằng Phú Mỹ Hưng và Nhà Bè là bể chứa nước triều và nước mưa tự nhiên của Sài Gòn, lấp bể chứa xây nhà cửa, chung cư cao ốc, khiến cho Sài Gòn ngập. Trong trường hợp nước mưa, phương pháp định lượng là phải xác định tổng khả năng tiêu nước của toàn bộ hệ thống sông rạch dẫn nước từ Sài Gòn ra biển.

Nếu lượng tiêu nước ấy nhỏ hơn lượng mưa lớn nhất thì mới có thể xét đến vai trò đầm chứa của Phú Mỹ Hưng và Nhà Bè. Hơn nữa Sài Gòn có rất nhiều vùng thấp đã beton hóa, nguyên lý là nước tìm chỗ trũng, chứ không thể nhảy cóc qua mái nhà và yên vị ở phía nam thành phố được. Tương tự như vậy với triều cường, nên tìm hiểu nước biển đi sâu vào đất liền với lưu lượng bao nhiêu theo các nấc triều cao thấp thế nào.

Rất mong nhiều bạn đọc có trải nghiệm khác tôi hãy lên tiếng, việc thảo luận với tinh thần bình đẳng và cầu thị luôn hết sức cần thiết. Các chuyên gia chân chính và những quan chức có trách nhiệm chắc chắn sẽ lắng nghe điều phải trái từ những người dân muốn góp phần xây dựng một thành phố văn minh, sạch sẽ, không ngập lụt

Theo Trương Thái Du

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên