MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Kiểm soát chặt việc xây cao ốc trong trung tâm khi hạ tầng giao thông chưa được quy hoạch

23-01-2017 - 20:48 PM | Bất động sản

TP.HCM đã lên kế hoạch đầu tư hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông để xử lý ùn tắc tại các khu vực "điểm đen" kẹt xe và ở nhiều nơi thường xảy ra ùn tắc trên địa bàn.

Chiều 23/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành có buổi họp trực tuyến với UBND TP.HCM bàn biện pháp giải quyết ùn tắc cho thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, trong năm 2016, trên địa bàn TP.HCM có 37 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông. "Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, gây bức xúc cho người dân", ông Khoa nêu.

Các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông thuộc các khu vực như: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (các tuyến Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm); cảng Cát Lái (Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Xa Lộ Hà Nội); khu vực trung tâm Thành phố (các tuyến Pasteur, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Cừ,...); các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô Thành phố (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Quốc lộ 50, Cộng Hòa, Quang Trung, Nguyễn Kiệm...).

Ông Khoa cho biết, TP.HCM đã lên kế hoạch đầu tư hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông để xử lý ùn tắc tại các khu vực trên và ở nhiều nơi thường xảy ra ùn tắc trên địa bàn. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư các công trình giao thông từ năm 2016-2020 là 324.000 tỉ đồng.

Đầu tiên phải kể đến các dự án cầu vượt ở khu vực dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất - khu vực được coi là một trong những điểm "nóng" về kẹt xe tại TP.HCM thời gian vừa qua. Trước tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến đường dẫn vào sân bay, Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM thực hiện các dự án theo lệnh khẩn cấp.

Trong số các dự án ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, đáng chú ý là 2 dự án cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình) và tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp). Ngoài ra, giai đoạn 2 sẽ xây dựng hầm chui qua đường Trường Sơn theo hướng từ cửa ra nhà ga quốc nội đi sang đường Hồng Hà.

Tại khu Đông, điểm nóng kẹt xe là ở khu vực cảng Cát Lái, dự án cầu vượt và hầm chui ở vòng xoay Mỹ Thủy được kỳ vọng sẽ giảm được ùn tắc cho các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái. Dự án này hiện đang bước vào giai đoạn xây cầu vượt và hầm chui, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Ở cửa ngõ khu vực phía Tây Bắc - nơi cũng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, thành phố cũng sẽ xây dựng hầm chui ở nút giao An Sương. Hiện nay, nút giao An Sương là điểm giao cắt giữa hai trục đường xuyên tâm quan trọng là đường Xuyên Á (quốc lộ 22) với đường Trường Chinh và đường vành đai 2 (quốc lộ 1A).

"Ngoài ra, TP.HCM cũng thực hiện nhiều giải pháp phi công trình như kiểm soát chặt chẽ khu vực, trung tâm. Cụ thể, TP.HCM sẽ giữ, kiểm sát chất chẽ việc đầu tư cao ốc, trung tâm thương mại ở trung tâm và sẽ xem xét đầu tư phù hợp với hiện trạng giao thông theo quy hoạch; đồng thời kết nối giao thông công cộng, đẩy mạnh đầu tư đô thị vệ tinh, di dời trường học, bệnh viện nhằm giảm áp lực cho TP.HCM", Phó Chủ tịch Khoa trình bày cùng Thủ tướng.

Hiện nay, UBND TP.HCM đang giao Sở Xây dựng phối hợp đơn vị tư vấn Bộ Xây dựng để xây dựng chương trình phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, trong đó, để đảm bảo sự kết nối, thống nhất hạ tầng khu vực, phát triển nhà ở phải gắn với kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thời gian tới, nếu khu vực chưa phát triển hạ tầng kỹ thuật, chưa phát triển hạ tầng giao thông tới khu vực đó thì chỉ xây dựng nhà ở tương ứng để đảm bảo đồng bộ.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên