TP.HCM lên tiếng về “lùm xùm” quanh dự án 307 triệu USD
TP.HCM vẫn bảo lưu quan điểm chọn nhà thầu Liên danh Acciona - Vinci.
- 14-11-2019Sẽ có tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tốc độ 160km/h, giá trị 100 nghìn tỷ đồng
- 14-11-2019TGĐ Nike Việt Nam: 50% sản phẩm Nike toàn cầu được làm ở Việt Nam, định hướng 10 năm tới tăng gấp đôi thành phẩm
- 14-11-2019Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi chưa từng gặp dự án đầu tư nào như Sông Đuống, cần kiểm toán vào cuộc”
- 14-11-2019Nguồn cung suy giảm, có xảy ra thiếu điện cuối năm?
Ngày 13/11, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có thông tin xung quanh khiếu nại của liên doanh nước ngoài tại gói thầu Thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (XL-02) có giá trị 307 triệu USD, trong dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2.
Gói thầu XL-02 có giá trị là 307 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 278 triệu USD, ngân sách TP.HCM hơn 616 tỷ đồng (tương đương 29 triệu USD).
Tháng 3/2017, Ban Quản lý Đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP đã chọn 7 hồ sơ đạt yêu cầu. Sau đó, chỉ còn 5 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển là Samsung (Hàn Quốc) - Kolon (Hàn Quốc) - TSK (Nhật Bản), Wabag (Ấn Độ) - WTE (Đức), OTV (Pháp) - Dealim (Hàn Quốc), Acciona (Tây Ban Nha) - Vinci (Pháp), Dregremont (Hàn Quốc) - Posco (Pháp) đạt tiêu chuẩn tham gia dự thầu.
Sau 2 năm xem xét, ngày 7/3/2019, liên danh Acciona - Vinci được duyệt trúng thầu với 240 triệu USD. Sau đó một ngày, hợp đồng liên quan dự án được ký kết.
Trước kết quả trên, liên danh Samsung - Kolon - TSK không đồng ý và nhiều lần gửi kiến nghị đến Bộ Công an và nhiều cơ quan khác. Liên danh này cho rằng, có dấu hiệu không minh bạch khi tổ chức đấu thầu. Họ nêu bỏ thầu thấp hơn 14,7 triệu USD so với liên danh Acciona - Vinci nhưng vẫn bị loại. Ngoài ra, liên danh Suez - Posco cũng kiến nghị Chính phủ và nêu ý kiến hồ sơ dự thầu của họ không được đánh giá khách quan dựa trên các yếu tố kỹ thuật, kinh tế.
Sau khi có khiếu kiện của các nhà thầu, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư kiểm tra và trong văn bản tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ, sở này tỏ ra lo ngại khi phía trúng thầu là liên danh Acciona - Vinci có năng lực thuộc nhóm yếu nhất trong số 7 nhà thầu lọt vào đến vòng sau cùng.
Quan ngại trên của Sở Kế hoạch Đầu tư là có cơ sở, bởi dự án xây dựng nhà máy có công suất xử lý 480.000 m3/ngày nhưng liên danh Acciona - Vinci chỉ có năng lực kinh nghiệm xây dựng nhà máy có công suất 28.000 m3/ngày, tức nhỏ 17 lần so với yêu cầu của dự án.
Giải đáp thắc mắc trên, ông Võ Văn Hoan cho biết, do dự án được WB tài trợ vốn nên phải thực hiện theo những quy định mà Việt Nam ký kết với ngân hàng. Chưa kể, WB là cơ quan giám sát quá trình đấu thầu dự án từ đầu nên sẽ có những đánh giá về quy định chọn thầu khác với Sở Kế hoạch Đầu tư - cơ quan tham mưu và không phải là cơ quan trong cuộc.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm chung của TP khi xem xét lại toàn bộ vụ khiếu nại của một nhà thầu thì quá trình khiếu nại nhà thầu đầu tiên là những thắc mắc, sau đó là khiếu nại, suốt quá trình này gắn liền với quá trình đấu thầu từ khi làm hồ sơ mời thầu, đến tổ chức chấm thầu, công bố thầu, kết luận thầu. Quá trình này được giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới (WB - cơ quan tài trợ vốn cho TP.HCM triển khai thực hiện dự án).
Ông Hoan nêu, những nội dung thắc mắc của doanh nghiệp đã được WB trả lời rõ ràng và họ đều chấp thuận với cơ quan tư vấn đấu thầu của TP. WB cho rằng, những đề xuất của doanh nghiệp là hoàn toàn không có căn cứ và bản thân doanh nghiệp đã có những vi phạm trong quá trình đấu thầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, dù đã có kết luận thầu, đã ký hợp đồng rồi nhưng đến nay dự án chưa thực hiện được vì theo quy định của pháp luật Việt Nam là phải giải quyết khiếu nại trước khi thực hiện. Trong quá trình này, TP có hỏi ý kiến các cơ quan thì WB gửi thư cho TP phải triển khai ngay dự án, còn giải quyết khiếu nại là việc khác và WB cam kết những nội dung này họ đã làm việc với doanh nghiệp. Như vậy, khiếu nại này đã được giám sát, xử lý rất chặt chẽ và có ý kiến rất cụ thể của WB nhưng hiện nay TP đang chờ ý kiến của các cơ quan Trung ương.
“TP.HCM vẫn bảo lưu quan điểm chọn nhà thầu Liên danh Acciona - Vinci. Đến nay, dự án chưa gây thiệt hại cho TP do mới ký hợp đồng và chưa giải ngân, nhưng nếu làm chậm trễ đến một mức nào đó đến hạn thì coi như mất dự án”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, tại văn bản gửi Thủ tướng mới đây, đại diện WB khẳng định, quá trình đấu thầu đã được thực hiện tuân thủ theo hướng dẫn mua sắm đấu thầu được áp dụng theo quy định tại các thỏa thuận pháp lý giữa Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết phát triển (IBRD), Tổ chức Phát triển Quốc tế (IDA) và đã nhận được tất cả những sự thông qua theo yêu cầu từ phía WB.
WB khẳng định, các vấn đề cụ thể được nêu ra trong các thư khiếu nại từ hai đơn vị Liên danh dự thầu (Samsung - Kolon - TSK và Suez - Posco) đã được giải quyết trong quá trình lựa chọn sơ tuyển và quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu bởi cơ quan thực hiện dự án. Trên hệ thống của WB giám sát mua sắm đấu thầu các dự án WB tài trợ, quá trình giải quyết các khiếu nại này được xem là đã được khép lại theo quan điểm của WB.
WB lưu ý, với hợp đồng gói thầu đã được ký với nhà thầu trúng thầu, Liên danh Acciona - Vinci vào tháng 3/2019 nhưng chưa được kích hoạt hiệu lực bởi sự chậm trễ thanh toán tạm ứng hợp đồng, lý do chính là các khiếu nại.
WB cũng nhấn mạnh, sự thành công của mục tiêu phát triển dự án phụ thuộc lớn vào sự thành công của gói thầu quan trọng này. Vì vậy, WB hối thúc TP.HCM tiến tới nhanh chóng khởi công và triển khai thực hiện hợp đồng song song với việc giải quyết bất cứ các khiếu nại còn đang tiếp diễn nào đó để không bị tiếp tục chậm trễ, giảm lợi ích của TP.HCM và người dân TP.
Bizlive