MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tp.HCM phải thu trên 1.000 tỷ đồng thuế mỗi ngày trong 2018

"Khó khăn về thu ngân sách của thành phố sẽ làm cho thu ngân sách Trung ương khó khăn thêm rất nhiều"...

Dự toán năm 2018, Quốc hội giao Tp.HCM là 376.000 tỷ đồng, tức là để hoàn thành dự toán năm 2018, thành phố phải thu trên 1000 tỷ đồng/ngày.

Phân tích này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra khi giải trình thêm sự cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.HCM trong phiên thảo luận sáng 20/11 của Quốc hội.

Động lực đang chậm lại

Ông Dũng nói, thành phố hiện đang đóng góp gần 30% vào tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm, và quan trọng hơn, đây là địa bàn đóng góp lớn nhất vào thu của ngân sách Trung ương.

Cụ thể giai đoạn 2004 - 2006, tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia của Tp.HCM là 71%, đến giai đoạn 2007 - 2010 tăng lên 74%, giai đoạn 2011 - 2016 tăng lên 77% và giai đoạn 2017 - 2020 hiện nay là 82%.

Ngoài ra, thành phố cũng đóng góp trên 1/3 số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô của cả nước và toàn bộ số thu này là cân đối của ngân sách trung ương 100%.

Nhưng, nhấn mạnh là động lực phát triển của Tp.HCM đang chậm lại, Bộ trưởng lo lắng điều đó dẫn đến tốc độ tăng thu ngân sách của thành phố cũng chậm lại. "Khó khăn về thu ngân sách của thành phố sẽ làm cho thu ngân sách Trung ương khó khăn thêm rất nhiều", ông Dũng nói.

Đi vào những cơ chế, chính sách đặc thù, hồi âm băn khoăn của đại biểu về một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, Bộ trưởng Dũng cho biết, khi đề xuất Chính phủ và Tp.HCM đã lường trước các vấn đề nảy sinh.

Do vậy, trong dự thảo nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế tối đa đến sản xuất lưu thông hàng hóa trên thị trường cả nước.

Mặc khác, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này không có nghĩa Tp.HCM sẽ được thực hiện ngay việc tăng thuế, mà trước hết phải xây dựng đề án cụ thể là tăng ở thuế suất nào, đánh giá đầy đủ các chính sách, tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân và tác động xã hội khác. Sau đó, báo cáo Hội đồng Nhân dân, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nếu cần thiết xem xét quyết định, Bộ trưởng giải thích.

Riêng về thuế tài sản, người đứng đầu Bộ Tài chính thừa nhận lo lắng của một số vị đại biểu là có cơ sở, bởi đây là sắc thuế mới, khó, cần có sự đồng bộ của các lĩnh vực quản lý khác, đồng thời cần sự đồng thuận nên cần phải có thí điểm để tổng kết nhân rộng.

Tăng giới hạn dư nợ vay

Trước lo lắng về tác động của nghị quyết đến môi trường chung, Bộ trưởng Dũng khẳng định, các cơ chế chính sách được đề xuất về cơ bản không làm thay đổi các cán cân đối lớn về ngân sách Nhà nước và nợ công trong kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, cũng không ảnh hưởng đến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương.

Từ nay đến năm 2020, Tp.HCM vẫn tiếp tục điều tiết về Trung ương với tỷ lệ hiện hành. Ngân sách Trung ương cũng không cam kết bổ sung thêm kinh phí cho thành phố. Bởi, trên thực tế, "dù chúng ta muốn cũng rất khó khăn và không thực hiện được, vì khó cân đối ngân sách Trung ương", Bộ trưởng Dũng báo cáo Quốc hội.

Liên quan đến đề xuất nâng mức dư nợ vay của Tp.HCM, Bộ trưởng nêu con số ước dư nợ vay của thành phố đến 31/12/2017 khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng 40% mức dư nợ vay cho phép hiện hành là không quá 70% mà thành phố được hưởng theo phân cấp.

Còn nếu nâng mức dư nợ vay trên 90% tính theo dự toán 2018, thì dư nợ vay của thành phố khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP so với quy định hiện hành.

Việc tăng mức giới hạn dư nợ vay, theo Bộ trưởng, là để đảm bảo cho Tp.HCM có thêm dư địa vay và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến theo các hiệp định đã ký trong thời gian tới, Tp.HCM sẽ vay lại từ nguồn này khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm.

"Hàng năm, căn cứ vào mức trần nợ công đã được Quốc hội quyết định chúng tôi sẽ tổng hợp nhu cầu vay của các địa phương, trong đó có Tp.HCM, để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định, đảm bảo việc tăng mức vay của thành phố được đặt trong mối quan hệ với nhu cầu vay bội chi của các địa phương khác và yêu cầu giữ nợ công trong giới hạn cho phép", Bộ trưởng Tài chính cam kết.

Theo Hà Minh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên