MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tp.HCM: Phát triển hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch đô thị

31-10-2018 - 10:13 AM | Bất động sản

Công tác quy hoạch đô thị là một thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tp.HCM...

Công tác quy hoạch đô thị là một thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM). Thông qua Quy hoạch đô thị, tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện và là kim chỉ nam cho quá trình phát triển đô thị của Thành phố.

Chính vì vậy, quy hoạch đô thị luôn được lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm đặc biệt. Vấn đề này được lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc (UBND Tp.HCM) đề cập tại hội thảo "Quy hoạch đô thị Tp.HCM - thực tiễn và đầu tư", tổ chức sáng nay (30/10) tại Tp.HCM.

Thực tiễn phát triển đô thị trong những năm vừa qua đã cho thấy Tp.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh những vấn đề mang tính chất thời sự như tăng dân số cơ học nhanh, ngập nước đô thị, kẹt xe, ô nhiễm môi trường,…

Tp.HCM còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún đô thị, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số. Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, công tác quy hoạch đô thị được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.

Ba lý do phải điều chỉnh quy hoạch

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, có 3 hạn chế lớn trong công tác quy hoạch, đó là: giao thông, ngập lụt và môi trường ô nhiễm.

Nói về vấn nạn kẹt xe, ông Tuyến cho biết, mật độ giao thông theo chuẩn cả nước là cứ 1km đất phải có 10km đường. Tuy nhiên, Tp.HCM chỉ chiếm 20%, tức chỉ có 2km đường giao thông trên 1km đất, thấp nhất cả nước.

Về ngập lụt, nguyên nhân được lãnh đạo thành phố nêu ra một mặt do biến đổi khí hậu, nhưng một mặt do thành phố phải đối phó với những hạn chế do chính con người gây ra đó là phát triển nhanh quá.

Tiếp theo là môi trường. "Chạy nhanh thì không tránh khỏi té ngã. Do yêu cầu phát triển nhanh, thay vì quy hoạch khách quan chúng ta lại quy hoạch theo mong muốn phát triển nên hiện Thành phố đang phải trả giá cho vấn đề môi trường. Chính vì vậy, quy hoạch sắp tới sẽ dựa trên đánh giá khách quan, các chiến lược kinh tế phát triển thành phố như thế nào…để phát triển bền vững", ông Tuyến nhấn mạnh.

Quyền Trưởng Phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM, ông Lý Khánh Tâm Thảo, cho biết: Tp.HCM đang có chủ trương chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao thực hiện nghiên cứu bước đầu cho việc điều chỉnh quy hoạch.

Ông Thảo nêu ra 3 lý do thành phố phải điều chỉnh quy hoạch: Thứ nhất, Tp.HCM nằm trong vùng gồm 8 tỉnh, thành. Tháng 12/2017, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vùng đến 2030 tầm nhìn đến 2050, định hướng toàn vùng đặt ra yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Thứ hai, điều chỉnh nhằm tích hợp về biến đổi khí hậu. Thứ ba, thành phố có những yêu cầu thực tiễn mới điều chỉnh về quy hoạch chung.

Cũng theo ông Thảo, để chuẩn bị công tác tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch, Sở nhận biết được những thách thức về quy hoạch. Đó là khu vực lõi đô thị trung tâm thành phố với mật độ tập trung dân số cao. Hiện nay cấu trúc dân số chủ yếu lan tỏa mở rộng từ trung tâm với mô hình nhà ở đơn lẻ chưa hiệu quả, gây áp lực về giao thông, nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

"Các định hướng yêu cầu trong điều chỉnh quy hoạch đó là kế thừa những nội dung thích hợp, không tham điều chỉnh mọi thứ, giải quyết mọi thứ trong quy hoạch chung, mà chọn lọc mục tiêu có giá trị, quan trọng trong từng giai đoạn", Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc thành cho biết thêm.

Cụ thể, cần xem xét hướng ưu tiên phát triển thành phố. Trước đây thành phố đề ra 4 hướng, trong đó có 2 hướng chính là phía Đông và Nam, hướng phụ là Tây Bắc và Tây Nam. Thực tiễn cho thấy cần điều chỉnh nhằm kết nối với các vùng, tỉnh thành. Phát triển thành phố đặt trong mối liên kết chia sẻ trong vùng thành phố.

Quy hoạch chung cần nghiên cứu trong cơ cấu sử dụng đất và cấu trúc đô thị hiệu quả hơn. Thành phố sẽ tiếp tục chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu. Ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở.

"Bản quy hoạch chung cần tích hợp quản lý rủi ro ngập lụt, phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu. Thời gian tới thành phố tiếp tục mở thêm các diễn đàn tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thành phần xã hội về điều chỉnh quy hoạch chung", ông Thảo nói thêm.

Hạ tầng làm đi đôi với quy hoạch

Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng: "Hạn chế lớn nhất của Tp.HCM vẫn là quy hoạch, trong đó cả 3 khâu là xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, và tổ chức thực hiện quy hoạch đều còn nhiều hạn chế. Hiện chất lượng công tác quy hoạch của Tp.HCM chưa cao. Quy hoạch chung của thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 nay đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng để trình Chính phủ xem xét, sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và cả vùng. Theo đó, hạ tầng phải phát triển trước và song song với công tác quy hoạch".

Theo ông Tuyến, mục tiêu phát triển Tp.HCM là tiếp tục hoàn thiện phát triển đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm tài chính thương mại dịch vụ, tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng, thiếu sót với người dân; khu đô thị sáng tạo ở quận 2, quận 9, Thủ Đức; Khu đô thị du lịch Sinh thái ở Cần Giờ, Khu đô thị Cảng ở quận 9, Nhà Bè; Khu đô thị ven sông quận 8; Khu đô thị giáo dục ở phía Tây Bắc thành phố…

Tp.HCM cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ và giải quyết những khó khăn, đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính, chấn chỉnh để giảm phiền hà và các "chi phí đen" mang lại tiếng xấu cho thành phố.

Trả lời nhà đầu tư về thời gian thay đổi quy hoạch, ông Tuyến cho biết: cứ 5 năm, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch một lần. Ở các nước phát triển như châu Âu, nếu quy hoạch tốt thì cả trăm năm không cần thay đổi quy hoạch. Do vậy, kế hoạch tổng thể sắp tới là phải cố gắng đưa thời gian điều chỉnh bổ sung quy hoạch đô thị ít nhất phải 10 năm 1 lần. Hiện thành phố có những thuận lợi đó là đã có các công cụ để thực hiện và thuê các tư vấn quốc tế hỗ trợ.

Về phát triển các phương tiện công cộng, theo lãnh đạo UBND Tp.HCM, Tuyến Metro số 1 của thành phố vẫn đang thực hiện và đang chờ ý kiến Trung ương về chấp thuận tăng mức đầu tư. Tuy nhiên, Thành phố đã tạm ứng vốn để thực hiện dự án. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 70% và dự kiến đến cuối 2019, đầu 2020 sẽ đi vào hoạt động theo đúng tiến độ.

Về phát triển tổng thể của thành phố. Hiện quy hoạch chỉ là mong muốn chủ quan của cơ quan Nhà nước, chưa phải là mong muốn của doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian tới, thành phố sẽ phải rà soát nhiều vấn đề, về chính sách cho nhà đầu tư, giải quyết cho người dân nằm trong quy hoạch để người dân an tâm bởi lẽ quy hoạch có tốt đến đâu thì người dân nằm trong khu quy hoạch vẫn chịu thiệt thòi.

"Trong thời gian tới, thành phố sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch phù hợp phát triển chung của thành phố, trên nền tảng phát triển xã hội thành phố, sau đó mới làm quy hoạch đô thị. Đây là cách làm thành phố trong tương lai, và mong muốn lần quy hoạch này sẽ trở thành cơ hội cho nhà đầu tư, là mong muốn của người dân thành phố với mong muốn thành phố phát triển ngày càng đẹp hơn, tốt hơn và giàu hơn".

Hiện lãnh đạo thành phố vẫn đang lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư…để điều chỉnh quy hoạch kịp thời, hấp dẫn hơn. Nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và vấn đề giao thông để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư. Thời gian tới thành phố tiếp tục mở thêm các diễn đàn tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thành phần xã hội về điều chỉnh quy hoạch chung.

Theo Tú Uyên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên