TPHCM "mở đường" cho các nhà đầu tư lớn vào phát triển khu đô thị thông minh, BĐS khu Đông đang bùng nổ trở lại
Thời gian qua, khu Đông luôn được TP.HCM chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế. Đây chính là điều kiện rất lớn giúp thị trường nhà ở tại quận 2, quận 9 hay Thủ Đức phát triển, thu hút dân cư về làm việc và sinh sống. Đó cũng là nền tảng vững chắc để TPHCM từng bước hình thành nên khu đô thị thông minh trong thời gian tới.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM được xem là một giải pháp quan trọng trong tiến trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Từ đó, TPHCM đang ra sức kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực tham gia cùng phát triển với những cơ chế chính sách mới, thuận lợi hơn.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố định hướng việc hình thành khu đô thị thông minh nằm ở cửa ngõ thành phố bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, dựa trên nền tảng khu vực này có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi trong hiện tại cũng như tương lai gần.
Cụ thể, quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, 4 trường đại học lớn với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên, sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ở quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt sẽ có cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế. Đặc biệt, đây cũng là quận đang được TPHCM ưu tiên rót vốn phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông quy mô khá lớn. Điển hình như dự án hầm chui Mỹ Thuỷ 3 tầng vừa đưa vào khai thác giai đoạn 1; cầu Kim Cương 500 tỷ đồng cũng đã đi vào hoạt động; dự án cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) sắp được xây dựng; dự án nâng cấp đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định và mở rộng giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Thị Định...
Với quận 9 có khu công nghệ cao thành công nhất ở Việt Nam, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại khu vực này đã và đang hình thành như tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cảng Cát Lái… Do đó, khu vực phía Đông TPHCM cần nâng cấp các nội dung quy hoạch để đạt được mục tiêu hình thành một đô thị thông minh và đô thị phát triển bền vững về môi trường và bổ trợ bằng các khu vực tiên phong đổi mới sáng tạo.
Mới đây, Thành uỷ TPHCM đã tổ chức buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố và cộng đồng kiểu bào Việt Nam ở nước ngoài cùng hàng trăm nhà đầu tư đa quốc gia khác. Cuộc gặp này được diễn ra trong bối cảnh TPHCM đang quyết tâm xây dựng TPHCM trở thành hạt nhân của Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Đặc biệt, khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM được xem là một giải pháp quan trọng trong tiến trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đang được TP huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước triển khai thực hiện.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khi triển khai chiến lược này, TPHCM có 5 điểm nổi bật. Thứ nhất, là thành phố lớn nhất nước hiện có hơn 13 triệu dân, mỗi năm có "thành phố nhỏ" được sinh ra. nếu không phát triển TPHCM theo hướng đô thị thông minh sẽ không thể giải quyết được những vấn đề đô thị một cách hiệu quả.
Thứ hai, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia, trong khi diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước và dân số cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu TPHCM gặp "vấn đề" về kinh tế cả nước bị ảnh hưởng theo.
Thứ ba, TPHCM có lực lượng lao động chất lượng cao, tỷ lệ người lao động có bằng đại học cao gấp 2,3 lần so với trung bình cả nước. Thứ tư, năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,7 lần so với toàn quốc. Cuối cùng, TPHCM có các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh, chiếm 82% đóng góp cho nền kinh tế.
Từ những ưu điểm, thế mạnh trên, năm 2017 đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đã được TP.HCM triển khai, với 4 mục tiêu chính, là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân thành phố và người dân nhận được chất lượng tốt từ chính quyền.
Sau khi thực hiện đề án này được một năm, TPHCM có sự điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng khu đô thị thông minh cần có hạt nhân bên trong TP.HCM và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại TPHCM. Điều này nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ…
Ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), cho biết các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẵn sàng rót vốn đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh.
Theo đó, Amcham phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin - Truyền thông và các tỉnh, thành Việt Nam, đã thành lập Hiệp hội Công nghiệp thành phố thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam. Hiện hiệp hội có 30 doanh nghiệp thành viên hoạt động trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, phần mềm, phần cứng, năng lượng và công nghệ xử lý nước thải và sẽ mạnh dạn tham gia vào chiến lược này của TP.HCM.
Được biết, ngay từ khi chiến lược phát triển khu đô thị thông minh đang ở những bước đầu hoạch định, tập đoàn địa ốc hàng đầu Singapore là Kepple Land đã tuyên bố sẽ "rót" hơn 500 triệu USD để phát triển một khu phức hợp thông minh tại quận 2.
Theo đó, tập đoàn này cũng đang có kế hoạch đầu tư dự án Saigon Sport City tại quận 2, nhằm xây dựng một đô thị thông minh trên cơ sở ký kết hợp tác với Microsoft và nhiều đối tác liên quan để kết nối khoa học công nghệ, ứng dụng quản trị thông minh vào an ninh, công nghệ bán lẻ, các dịch vụ phục vụ đời sống người dân...
Mới đây nhất, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp Singapore, Cố vấn Kinh tế cấp cao của Bộ Công Thương Singapore và đoàn gồm 30 doanh nghiệp hàng đầu nước này đã có cuộc làm việc với UBND TP.HCM. Qua đó, các nhà đầu tư đã đi thăm nhiều khu vực thuộc khu Đông TP.HCM, tại đây tiết lộ sẽ tham gia thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể và xây dựng trung tâm đô thị sáng tạo của TP.HCM.
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng vừa đến TP.HCM tham quan, làm việc với chính quyền địa phương nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu đô thị thông minh này. Theo đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, khu Đông TP.HCM, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư khá đồng bộ, trong tương lai sẽ tạo nhiều thuận lợi kết nối với sân bay Long Thành. Đặc biệt, với quỹ đất rộng lớn, lại là cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nên tiềm năng tăng trưởng còn khá lớn.
Đặc biệt, trong chiến lược 3 năm tới, TPHCM sẽ đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn.
Trong đó, các dự án giao thông khu Đông TP.HCM sẽ được ưu tiên thực hiện hoàn thành, bao gồm đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy - công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Trong giai đoạn 2018-2020, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy), nâng cấp và mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân kết nối từ đại lộ Phạm Văn Đồng đến Xa lộ Hà Nội...
Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9 và Thủ Đức vào năm 2020, tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Theo nhận định của các chuyên gia, 2020 sẽ là năm bản lề để thị trường tăng trưởng vượt bậc nhờ vào nhiều yếu tố tốt. Theo đó, thị trường đã có xu hướng hình thành những khu đô thị vệ tinh lớn ở Hà Nội và TPHCM với những khu đô thị lớn có giá trung bình và trung bình thấp với quy mô lớn.
Tại TP.HCM, xu hướng này hình thành rõ nét nhất tại khu Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức) khi nhiều nhà đầu tư tận dụng triệt để hệ thống hạ tầng giao thông quy mô lớn đã và đang được đầu tư khá khép kín để phát triển dự án nhà ở. Savills dự báo, trong năm tới các quận phía Đông TPHCM sẽ dẫn đầu thị trường và chiếm 50% thị phần, các khu đô thị nằm xa trung tâm tại phía Đông với đầy đủ tiện ích và kết nối tốt sẽ được thị trường đón nhận tích cực.
Tại khu Đông, thời gian qua các nhà đầu tư BĐS đã và đang phát triển hàng loạt dự án nhà ở quy mô lớn, như Đại Quang Minh có khu đô thị Sala; Kepple Land có khu đô thị Palm City, Novaland với Lakeview City, Khang Điền có Merita, Venica, dự án căn hộ Jamila và mới đây nhất là dự án nhà vườn Rosita GardenCông ty Địa ốc Phú Long cũng mang ra thị trường một khu đô thị nằm tại phường Phú Hữu, Hưng Thịnh Corp đã chính thức giới thiệu dự án Lavita Charm ra thị trường, Vingroup với dự án gần 10.000 căn hộ đang làm "nóng" cả thị trường...
Được cho là nắm khá nhiều quỹ đất lớn tại khu Đông, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - TDH) trước nay rất kín tiếng trong các hoạt động đầu tư dự án trên thị trường cũng cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư vào khu Đông trong chiến lược đưa ra thị trường 3.567 căn hộ chung cư, 1.192 lô đất nền, 14.554 m2 văn phòng cho thuê trong kế hoạch từ 2019-2020.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, Sol Villas - khu biệt thự compound cao cấp đầu tiên tại Cát Lái do Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) đầu tư và DKRA Vietnam phân phối độc quyền. Ra mắt lần đầu vào năm 2018, Sol Villas đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 80% chỉ sau vài tháng công bố. Trong Quý 4/2019, SCC sẽ tiếp tục giới thiệu những căn đẹp nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với 101 ngôi biệt thự tọa lạc tại trung tâm khu đô thị PhoDong Village 41ha, Sol Villas sở hữu những yếu tố đẳng cấp một khu biệt thự compound kiểu mẫu. Thêm vào đó, cộng đồng cư dân Sol Villas sở hữu nhiều ưu thế khi nhanh chóng di chuyển đến trung tâm hành chính Quận 2 và các trung tâm thương mại: Mega Market, Parkson, Big C, Vincom Mega Mall, hệ thống trường quốc tế các cấp, cũng như các tiện ích cao cấp phục vụ tối đa nhu cầu giải trí, chăm sóc sức khỏe… trong khu vực.
Theo ghi nhận thị trường đầu năm 2019, nhiều khu vực tại khu Đông gần đây không ngừng tăng giá mạnh. Phân tích của giới chuyên môn, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng giá là điều dễ hiểu, trong đó yếu tố chính là do sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm Thành phố.
Xét ở góc độ nhu cầu chọn khu vực để an cư, trong mắt người có nhu cầu về nhà ở, các quận khu Đông vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn nhất, đặc biệt là khu Đông trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo.