TP.HCM sắp lấy thông tin hơn 10 triệu dân
Từ ngày 18-4, toàn TP.HCM sẽ triển khai thu thập thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, dự kiến thực hiện trong vòng sáu tháng.
Ngày 28-3, Công an TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và tập huấn công tác phục vụ triển khai thu thập thông tin dân cư tại TP.HCM. Theo đó, từ ngày 18-4, TP.HCM sẽ đồng loạt triển khai thu thập thông tin dữ liệu dân cư theo biểu mẫu chung của Cục C72 , Bộ Công an .
Báo cáo tổng quan về dự án CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an, Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), nói: “Bắt đầu từ ngày 18-4, toàn TP triển khai thu thập thông tin dân cư. Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng sáu tháng, đến ngày 18-10 là xong”.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM , nhìn nhận công tác quản lý dân cư vẫn tồn tại khó khăn, vướng mắc. Vì vậy triển khai xây dựng CSDL về quốc gia là hết sức quan trọng và cần thiết.
Tại TP.HCM trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công an và UBND TP, Trung tướng Phong đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận/huyện, phường/xã/thị trấn tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cập nhật khai thác thông tin.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA
Biểu mẫu phiếu thu thập thông tin dân cư.
Công an TP.HCM sẽ phối hợp với Sở TT&TT TP ngoài việc thu thập dữ liệu dân cư thường trú còn thu thập cư dân ngoài phạm vi thường trú mà có cư trú thực tế trên địa bàn TP. Công an TP sẽ có biểu mẫu và cách thức thu thập dân số tạm trú.
2,5 triệu hộ với hơn 10 triệu nhân khẩu, đó là dân số mà TP.HCM đang quản lý. Trong đó có khoảng 1,5 triệu hộ với gần 6,3 triệu nhân khẩu thường trú. Tổng số người nước ngoài đang thường trú, tạm trú có gần 12.000 hộ với hơn 26.000 nhân khẩu... |
“Nếu làm tốt đến công tác này thì đến năm 2019, khi TP tổng điều tra dân số sẽ có thuận lợi khi đã có nền tảng dữ liệu về dân cư thường trú và tạm trú” - Trung tướng nói.
Giám đốc Công an TP.HCM cũng đề nghị công an quận/huyện tham mưu cho UBND quận/huyện chỉ đạo UBND phường/xã/thị trấn điều chỉnh thông tin của công dân khi có sai lệch trong quá trình nhập liệu.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc thu thập dữ liệu dân cư là nhiệm vụ hết sức quan trọng để xây dựng đề án đô thị thông minh. Ông Phong đề nghị cơ quan công an không chỉ thu thập dữ liệu dân cư đối với công dân thường trú mà còn phải thu thập đồng thời dữ liệu của công dân tạm trú để đưa về kho dữ liệu dùng chung của TP, tránh việc phải thu thập hai lần.
“Phải hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân rằng thu thập dữ liệu để phục vụ cho bà con tốt hơn chứ không phải phục vụ điều gì khác để tránh tình trạng bà con phản ứng và kê khai không trung thực” - chủ tịch UBND TP nói.
Được đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình CSDL quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin nhằm phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Công dân được đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong CSDL quốc gia về dân cư, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo luật định. Từ CSDL quốc gia mỗi công dân sẽ được cấp một số định danh cá nhân dùng để xác định dữ liệu về công dân và kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL chuyên ngành. |
Pháp luật TPHCM