TPHCM thu về hơn 2.516 tỷ đồng mỗi ngày trong 2 tháng đầu năm
Liên quan đến tình hình thu-chi ngân sách của TPHCM trong 2 tháng đầu năm, uớc tính tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) thực hiện là 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ.
- 06-03-2022Căng thẳng Nga - Ukraine: Doanh nghiệp nông sản Việt gặp khó trong thanh toán
- 05-03-2022Bộ Công Thương yêu cầu rà soát các dự án điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện trong quy hoạch
- 05-03-2022Thủ tướng: Từng bước "bình thường hóa" với dịch COVID-19
Mới đây, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 2, hai tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ tháng 3 năm 2022.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 89.093 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó tổng mức bán lẻ giảm 3,1% so với tháng trước, ngành lưu trú và dịch vụ ăn uống tăng 18,1% so với tháng trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố 2 tháng đầu năm ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 02 tháng đầu năm ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực Du lịch, tổng doanh thu trong tháng ước đạt 3.212 tỷ đồng, giảm 51,34% so với cùng kỳ. Thành phố tiếp tục hoàn thiện, triển khai kế hoạch tổ chức Chương trình hiến kế khôi phục du lịch TP.HCM năm 2021.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.169.000 tỷ đồng, tăng 0,81% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.934.300 tỷ đồng, tăng 3,54% so với cuối năm 2021. Trong đó dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 54,4% tổng dư nợ, tăng 3,7% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 45,6%, tăng 3,34% so với cuối năm 2021.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM báo cáo về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 2 tháng đầu năm 2022. Ảnh: TTBC.
Theo bà Mai, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước giảm 2,4% so với tháng trước, nhưng tính chung trong 2 tháng đầu năm tăng 2,1% so với cùng kỳ. Tính chung, IIP 2 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ.
Liên quan đến tình hình thu-chi ngân sách của Thành phố trong 2 tháng đầu năm, bà Mai cho biết, ước tính tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) thực hiện là 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Số thu ngân sách trung bình 1 ngày trong 2 tháng đầu năm là 2.516 tỷ đồng, bằng 162,03% so với mức thu 1 ngày làm việc của Thành phố phải thu (1.552 tỷ đồng).
Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 5.787,566 tỷ đồng, đạt 5,81% dự toán, giảm 39,62% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 11,82% dự toán, tăng 1,80% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm, có một số khoản thu đã đạt trên 25% dự toán và tăng hơn so với cùng kỳ.
Thứ nhất, số thuế thu nhập cá nhân đạt 11.016 tỷ đồng, tăng 16,61% so với cùng kỳ nhờ thị trường bất động sản năm 2022 đang có dấu hiệu ấm dần, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư vốn, chứng khoán của nhà đầu tư sôi nổi, tăng trường tốt trong những tháng đầu năm.
Đặc biệt, người dân tận dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP và nhu cầu sở hữu ô tô trước tết tăng cao, nên số thu lệ phí trước bạ cũng ghi nhận tăng 50,30% so với cùng kỳ, đạt 1.420 tỷ đồng.
Thứ hai, là nhờ một số khoản thu phát sinh thu đột biến. Cụ thể, tiền sử dụng đất đạt 8.884 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ do các công ty thực hiện nộp tiền sử dụng đất 1 lần ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, khoản thu ngân sách khác ghi nhận 915,115 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ nhờ phát sinh khoản thu đặt cọc 658 tỷ đồng trong cuộc đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 2 tháng đầu năm 2022, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 231,13 triệu USD, giảm 31,27% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong đó, có 37 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 79,56 triệu USD; có 19 lượt dự án được cấp phép từ những năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn giảm 8,78 triệu USD.
"Thành phố cũng chấp thuận cho 269 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 161,35 triệu USD, tăng 60,12% so với cùng kỳ về số trường hợp và giảm 4,77% về vốn", Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM thông tin.