TPHCM vận hành hệ thống ‘chấm điểm’ năng lực cạnh tranh của sở ngành
Việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở - ban, ngành và địa phương (DDCI) hướng đến những đánh giá xác thực nhất, có tính đại diện cao nhất, với mục tiêu làm sao có thể nhìn ra được điểm mạnh, điểm yếu của từng sở ngành, địa phương trong điều hành kinh tế.
- 16-12-2022Xử lý loạt doanh nghiệp gian lận hoàn thuế, buôn bán hoá đơn trái phép
- 16-12-2022Bình Định thông tin gì tới Bộ Quốc phòng về mở rộng sân bay Phù Cát?
Sáng 16/12, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở – ban, ngành và địa phương (DDCI) TPHCM năm 2022.
Theo kế hoạch, DCCI tập trung khảo sát, lấy ý kiến ở 8 nhóm nội dung: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở - ban ngành và chính quyền địa phương; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Vai trò của người đứng đầu sở - ban, ngành và chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của sở ngành, địa phương ở TPHCM
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM Phạm Phú Trường trao đổi. Ảnh: Ngô Tùng
Trao đổi tại hội nghị triển khai, anh Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM đánh giá kinh tế thành phố và cả nước hiện đang đối diện với nhiều thách thức lớn, do đó việc triển khai DCCI là lựa chọn phù hợp để vượt qua những khó khăn, thách thức. Bộ chỉ số đánh giá được xây dựng dựa trên nền tảng nền kinh tế năng động, sáng tạo, thể hiện khát vọng của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp thành phố, với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu để làm tốt hơn cho các bên.
Là người thực hiện các hệ thống DDCI tại các địa phương trước đây, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhìn nhận, TPHCM là địa phương đi sau trong triển khai DDCI, nhưng thành phố có tính lợi thế chuyên nghiệp trong vấn đề này. Mặt khác, đội ngũ chuyên gia, hội đồng tư vấn cũng đều kỳ vọng thành phố có được bộ chỉ số phản ánh thực chất chất lượng điều hành chính sách kinh tế, phục vụ doanh nghiệp của các sở ngành, địa phương.
“Điều này thúc đẩy chúng tôi cùng xây dựng bộ chỉ số đánh giá và trong quá trình triển khai cũng hướng đến những đánh giá xác thực nhất, có tính đại diện cao nhất, với mục tiêu làm sao có thể nhìn ra được điểm mạnh, điểm yếu của từng sở ngành, địa phương trong điều hành kinh tế”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi lễ triển khai đánh giá DDCI TPHCM 2022.
Cũng theo ông Minh, mấu chốt ý nghĩa của bộ chỉ số DDCI TPHCM là lựa chọn doanh nghiệp hoàn toàn ngẫu nhiên, đảm bảo tính đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực kinh tế FDI, kinh tế tư nhân,… Quá trình triển khai thực hiện minh bạch, được giám sát bởi Hội đồng tư vấn DDCI thành phố.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng việc các sở ngành, địa phương đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số cũng sẽ đảm bảo được tính minh bạch, công khai trong tiếp cận thông tin, đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp biết được hồ sơ, kiến nghị của mình đã được thành phố thực hiện đến đâu để doanh nghiệp chủ động trong thực hiện kế hoạch.
Góp ý thêm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (InCham) nhắn nhủ các cơ quan, ban ngành thành phố đừng nghĩ đây là hoạt động “theo dõi” gì cả, mà thực chất đây là những chỉ số thực tế để từ đó đơn vị có thể cải thiện. “Chúng ta xem đây là nỗ lực thường xuyên, liên tục, trở thành thói quen tự nhiên”, vị đại diện trao đổi thêm và cho biết, điều này cũng là cơ sở góp phần để InCham đưa thêm nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam, đặc biệt là TPHCM.
Đảm bảo không có tham nhũng trong hệ thống công - tư
Bà Mary Tarnowka trao đổi bên lề hội nghị.
Hoan nghênh việc TPHCM triển khai đánh giá DDCI, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng công tác này mang lại những tác động, lợi ích đối với thành phố trong bối cảnh thành phố nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và các nước tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường, các chuỗi cung ứng lớn ở Trung Quốc, Singapore…
Bà Mary Tarnowka cho rằng thách thức đối với TPHCM vẫn còn, một khi doanh nghiệp xem xét sự thuận lợi ở môi trường Việt Nam, chúng ta có thể chứng minh qua quá trình phê duyệt giấy tờ có minh bạch, công tâm hay không. Do đó, TPHCM phải đảm bảo không có sự tham nhũng trong hệ thống công lẫn tư. “Cán bộ chúng ta còn ngần ngại trong quá trình giải quyết thủ tục, giấy tờ. Vì vậy, cần có sự cân bằng để cán bộ thành phố tự tin trong quá trình ký kết, thực hiện các thủ tục, nhằm tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cho Việt Nam, cho TPHCM”, Giám đốc điều hành AmCham lưu ý.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định thành phố xem hiệp hội thương mại các quốc gia là một bộ phận của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố; đồng thời hai bên cũng là bộ phận của nền kinh tế thành phố. Lãnh đạo thành phố mong muốn các hiệp hội trên địa bàn gắn kết, cùng nhau đi lên.
Lãnh đạo TPHCM cùng các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp thực hiện nghi thức phát động chương trình đánh giá DDCI.
Theo kế hoạch, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ thực hiện các khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở - ban, ngành, TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Số lượng tham gia khảo sát dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, với kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp khoảng 25 – 30%.
Thời gian tiến hành khảo sát diễn ra từ nay đến hết tháng 1/2023. Trước ngày 15/3/2023 sẽ công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023.
Bộ chỉ số DDCI được tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh triển khai thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2015 và triển khai chính thức từ năm 2016. Bộ chỉ số này sau đó được áp dụng triển khai tại nhiều tỉnh, thành như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp…
Tiền Phong