TPHCM vượt tiến độ kỷ lục về mặt bằng cho 'siêu dự án' vành đai 3
Công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường vành đai 3 TPHCM (giai đoạn 1) qua địa bàn TP Thủ Đức được hoàn thành vượt tiến độ và tiến hành bàn giao hơn 95% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án triển khai thi công.
- 09-12-2022Chủ tịch UBND TP.HCM: Hoàn thành khép kín Vành đai 2 cùng với Vành đai 3
- 04-12-2022Vành đai 3 TPHCM sẽ là dự án kiểu mẫu về bồi thường, hỗ trợ tái định cư
- 03-12-2022Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Cần đặt áp lực và trách nhiệm lên lãnh đạo địa phương
Ngày 29/12, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) đã tổ chức lễ bàn giao mặt bằng dự án thành phần 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) thuộc đường vành đai 3 TPHCM (giai đoạn 1).
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, hôm nay công tác bồi thường, GPMB dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch qua địa bàn TP Thủ Đức đã thực hiện hoàn thành vượt tiến độ và tiến hành bàn giao hơn 95% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án triển khai thi công.
“Đây là kết quả của tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt bậc, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của cả hệ thống chính trị TP Thủ Đức. Bên cạnh đó là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đã sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công dự án” - ông Tùng đánh giá.
Đại diện UBND TP Thủ Đức và chủ đầu tư ký kết bàn giao mặt bằng dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc dự án vành đai 3 (giai đoạn 1).
Ông Trần Văn Thi - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư dự án) - cho biết, việc bàn giao mặt bằng thể hiện sự quyết tâm cao nhất của TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung. Đây là cột mốc quan trọng, cơ sở để chủ đầu tư có thể thực hiện và hoàn thành đúng mốc tiến độ dự án vào năm 2025.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - đánh giá, mốc bàn giao mặt bằng được coi là mốc tiến độ kỷ lục của TP Thủ Đức. Từ 30% mặt bằng được bàn giao vào tháng 9 đã nâng lên hơn 95% mặt bằng được giao cho chủ đầu tư để triển khai dự án vào hôm nay.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án thành phần 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), ông Bùi Xuân Cường đề nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cùng các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khẩn trương triển khai công tác thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và mỹ quan công trình; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công các gói thầu còn lại để triển khai thi công đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM giao UBND TP Thủ Đức tập trung triển khai, hoàn tất 4,3% khối lượng còn lại của công tác bồi thường GPMB trong quý I/2023 nhằm đảm bảo triển khai toàn dự án và hoàn thành toàn bộ công trình như tiến độ đã đề ra.
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại buổi lễ.
Để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư của dự án, lãnh đạo UBND TPHCM giao nhiệm vụ cho Sở GTVT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án vành đai 3 TPHCM ; sớm tham mưu các thủ tục để triển khai dự án Xây dựng đường liên cảng Cát Lái… nhằm sớm hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trong khu vực; góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Dự án thành phần 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) thuộc đường vành đai 3 TPHCM (giai đoạn 1) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư).
Dự án được khởi công vào tháng 9/2022 với quy mô xây dựng cầu Nhơn Trạch và phần đường có chiều dài khoảng 8,22km (trong đó Đồng Nai 6,3km và TPHCM 1,92km).
Điểm đầu của dự án kết nối với Đường tỉnh 25B tại địa phận xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận phường Long Trường, TP Thủ Đức (TPHCM).
Tổng mức đầu tư dự án là 6.955 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, riêng kinh phí giải phóng mặt bằng do TPHCM và tỉnh Đồng Nai bố trí (cụ thể tỉnh Đồng Nai: 651,3 tỷ đồng và TPHCM: 1.599,4 tỷ đồng).
Tiền phong