MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM yêu cầu các chợ đang đóng cửa tổ chức bán lương thực, thực phẩm thiết yếu

09-08-2021 - 19:13 PM | Thị trường

UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương cùng các địa phương nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống.

Sáng 9/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã có văn bản khẩn về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn.

Sở Công Thương có giải pháp tăng cường bán hàng lưu động, bổ sung bán mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng trực tuyến để gia tăng điểm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Ngoài ra, Chính quyền TPHCM cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng để bình ổn thị trường; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hàng hóa thiết yếu.

TPHCM yêu cầu các chợ đang đóng cửa tổ chức bán lương thực, thực phẩm thiết yếu - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng vào chợ Bình Thới (quận 11) mua lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng phiếu đi chợ

Bên cạnh đó, ngành Công Thương chủ động phối hợp với các sở, ban ngành kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn; nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "phiếu mua hàng" hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối.

Các địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm, đồng thời đảm bảo kiểm soát tình trạng tập trung đông người tại các điểm bán, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết, đồng thời phối hợp với các sở ban ngành liên quan theo dõi diễn biến thị trường, thông tin và phối hợp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến trên địa bàn...

UBND TPHCM yêu cầu các hệ thống phân phối như: Siêu thị Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Lotte, Aeon, MM Mega Market, BigC, Emart... nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá nhu cầu, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hang, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.

TPHCM yêu cầu các chợ đang đóng cửa tổ chức bán lương thực, thực phẩm thiết yếu - Ảnh 2.

Hầu hết các chợ truyền thống và chợ tự phát tại TPHCM đang tạm dừng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19

Các hệ thống phân phối nói trên có trách nhiệm cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận... Trên cơ sở đó, các đơn vị phối hợp cùng địa phương thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách để đăng ký nhu cầu mua hàng, chuẩn bị đơn hàng, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng, hạn chế tập trung đông người.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương rà soát, chỉ đạo sở, ngành liên quan hướng dẫn, bố trí địa điểm tạm thời thay thế các chợ bị đóng cửa do có ca nhiễm nhằm bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân địa phương.

Cụ thể, địa điểm bố trí phải bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ kinh doanh hàng hóa thiết yếu theo quy định; có biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất người mua bán tại điểm bố trí tạm thời; tổ chức mua bán theo nguyên tắc một chiều; bảo đảm số lượng hộ kinh doanh phù hợp, bảo đảm giãn cách giữa các tiểu thương và khách mua hàng…

Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, tính đến ngày 8/8, trên địa bàn TPHCM có 34/237 chợ đang hoạt động. Trên 200 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối vẫn đóng cửa. Hiện nay, 11 quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn tạm đóng cửa toàn bộ chợ truyền thống.



Theo Huy Thịnh

Tiền phong

Trở lên trên