MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tp.Nha Trang khan hiếm nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp

18-07-2020 - 09:57 AM | Bất động sản

Những năm gần đây, tại Tp.Nha Trang (Khánh Hòa) nếu các tòa nhà cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng… liên tục mọc lên thì ngược lại, phân khúc căn hộ dành cho người thu nhập thấp (nhà ở thương mại giá mềm, nhà ở xã hội) chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi loại hình này luôn trong tình trạng cầu lớn hơn cung.

Số lượng căn hộ cho người thu nhập thấp chiếm tỉ lệ rất thấp

Theo ghi nhận, khoảng 4-5 năm nay, tại Tp.Nha Trang có loạt dự án căn hộ cao cấp đã và đang triển khai dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo…, chẳng hạn như Nha Trang Center 2, Vinpearl Condotel Nha Trang, Vinpearl Beach Front Condotel, Royal Marina, Swisstouches La Luna Resort Nha Trang, Dragon Fairy Nha Trang, Ariyana Smart Condotel, Panorama Nha Trang, Cham Oasis… Thế nhưng, do nở rộ nguồn cung lớn trong cùng thời điểm, thị trường phân khúc này đang rơi vào tình trạng bão hòa vì cung lớn hơn cầu.

Trái ngược với tình hình này thì loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp lại chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi nhu cầu còn rất lớn. Ghi nhận cho thấy, hiện các dự án nhà ở xã hội tại Tp.Nha Trang chiếm tỉ lệ rất thấp, đây cũng là  phân khúc đang được tỉnh này tạo điều kiện để doanh nghiệp BĐS phát triển.

Có thể kể đến một vài cái tên như Nhà ở xã hội HQC Nha Trang – Khu dân cư Bắc Vĩnh Hải của Công ty Hoàng Quân làm chủ đầu tư, hiện dự án quy mô hơn 1.000 căn hộ này đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng; hay chung cư An Thịnh do Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà Khánh Hòa làm chủ đầu tư; Chung cư Đường sắt Nha Trang; Chung cư số 50 Lê Hồng Phong của Công ty Dịch vụ thương mại địa ốc Thiên Nam làm chủ đầu tư.

Xét về mặt quy mô, ở phân khúc này cũng chỉ xuất hiện một vài dự án quy mô lớn, được đầu tư xây dựng vài năm trước, còn lại hầu hết cũng phát triển nhỏ lẻ.

Tp.Nha Trang khan hiếm nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp - Ảnh 1.

Hiện, tại Tp.Nha Trang các dự án cho người thu nhập thấp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các dự án sắp hoàn thiện, bàn giao đã được mua hết trước đó

Lý do phân khúc này nhu cầu lớn nhưng không có nguồn cung đáp ứng, theo các chuyên gia, ngoài câu chuyện về vốn đầu tư, lợi nhuận thì những vướng mắc về mặt pháp lý cũng khiến các chủ đầu tư e ngại. Ở thị trường này cũng chỉ xuất hiện một số tên tuổi như Hoàng Quân, Thiên Nam, Công ty P.H vẫn trung thành với phân khúc này.

Đại diện một sàn giao dịch BĐS tại Nha Trang cho biết, hiện  phân khúc căn hộ cho người thu nhập trung bình và thấp đang thiếu trầm trọng, đặc biệt đối tượng mua là những người đang làm việc tại cơ quan nhà nước, công ty, những cặp vợ chồng trẻ và người ở các tỉnh, thành khác sinh sống tại Nha Trang.

Theo báo cáo trước đó từ Phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS thuộc Sở Xây dựng Khánh Hòa, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Tp.Nha Trang khá cao, khoảng 4.000 trường hợp, trong đó tập trung chủ yếu ở Nha Trang với hơn 3.000 trường hợp.

Tuy vậy, các dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/5 nhu cầu. Phần lớn lao động tại các tỉnh lân cận dồn về làm việc tại các cao ốc, khách sạn, nghỉ dưỡng tại Tp.Nha Trang liên tục tăng, mà hầu hết những lao động này chưa có nhà ở, nên nhu cầu của họ đối với phân khúc nhà giá rẻ còn rất lớn.

Hưởng lợi từ những quyết sách phát triển nhưng cần mạnh tay

Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo ghi nhận, tại thị trường BĐS Nha Trang chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đã đẩy nhanh tiến độ, nhằm sớm bàn giao nhà cho người dân.

Theo một lãnh đạo Sở xây dựng tỉnh Khánh Hòa, qua quá trình tiêu thụ sản phẩm của các dự án đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình xây dựng trên địa bàn cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay rất lớn, giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng từ 5.000 căn cho cán bộ, công chức, viên chức và khoảng 10.000 căn cho người lao động có thu nhập thấp làm việc tại khu vực ngoài Nhà nước. Với nhu cầu đó, lãnh đạo tỉnh luôn ưu tiên, dành những ưu đãi tốt nhất để ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư có quyết tâm, tiềm lực tài chính và tâm huyết tham gia xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.

Mới đây, phân khúc BĐS này đã và đang nhận được sự ủng hộ về chính sách, tài chính rất lớn từ phía Chính phủ. Đây được xem là động lực lớn để người có thu nhập thấp có thể dễ dàng tiếp cận chốn an cư, cũng là động lực để doanh nghiệp BĐS chuyên làm phân khúc này tự tin tham gia thị trường.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Theo Nghị quyết, để thúc đẩy nhà ở xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định 100 năm 2015 để xem xét và ban hành trong quý 4/2020. Mục tiêu rút gọn thủ tục, đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Theo Chỉ định của Thủ tướng, chương trình thí điểm hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, biện pháp ưu tiên mua nhà ở xã hội cũng nằm trong danh mục được công bố.

Theo các chuyên gia, với chính sách này phân khúc nhà ở xã hội kì vọng sẽ sôi động trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn thì các chính sách này cần được thực hiện quyết liệt và mạnh tay hơn. Có như thế nhu cầu chỗ ở của những người thu nhập trung bình, thấp mới đến nhanh, đến gần và thực tế.

Chia sẻ về câu chuyện nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn phân khúc này, giúp người có thu nhập thấp có được nơi ăn chốn ở ổn định cuộc sống thì cần bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để cho phép ngân hàng chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Về lãi suất cho vay ưu đãi, ông Châu cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất tại ngân hàng chính sách xã hội, kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở các đô thị có thể mua được nhà ở.

Theo các chuyên gia, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội là sự gia tăng nhu cầu về lao động và dân số, dẫn đến nhu cầu nhà ở xã hội càng ngày càng tăng. Thế nhưng, để các doanh nghiệp thực sự quyết tâm tham gia vào phân khúc này thì các cơ chế, chính sách cần được hỗ trợ mạnh tay hơn, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được mua, thuê, thuê mua nhà ở giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính của họ.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên