TPS: Sự trở lại của “dòng tiền chuyên nghiệp” thúc đẩy VN-Index tiếp tục hồi phục mạnh mẽ
Về định giá, TPS đánh giá P/E cuối tháng 8 của VN-Index đạt 13,67 lần, tăng so với mức 12,95 lần hồi tháng 7. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16.x cho cả năm 2022 dự báo trước đó.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá sự phục hồi mạnh mẽ của VN-Index đến từ nhiều yếu tố, cụ thể là lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ và Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư đã dần cải thiện sau khi VN-Index giữ vững được ngưỡng 1.200 điểm và kỳ vọng quá trình tăng lãi suất của Fed sẽ nhẹ nhàng hơn trong quý 4.
Nhận định về bối cảnh vĩ mô, TPS cho rằng mặc dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm vẫn còn khá cao. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu trên thế giới vẫn ở mức cao, trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu như thức ăn chăn nuôi, phân bón, trừ sâu…
Mặt khác, giá xăng dầu tạm thời giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại do cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc và nhu cầu năng lượng tăng cao khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi. Đồng thời, giá lương thực thực phẩm tăng cao khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi và tỷ giá được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới cũng là yếu tố tác động đến lạm phát.
Dự báo về mức lãi suất, TPS cho rằng Fed vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 9. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam không còn dồi dào như trước, đây sẽ là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng lên sẽ không nhiều do tỷ giá hiện tại cũng đã khá cao so với thời điểm cuối năm 2021.
Đội ngũ phân tích kỳ vọng những yếu tố lạc quan vẫn được duy trì trong tháng 9 và đây sẽ là cơ sở giúp VN-Index tiếp tục hồi phục trong ngắn hạn để hướng tới mức 1.300 điểm. Theo đó, đà tăng trưởng được thúc đẩy nhờ sự trở lại của dòng tiền "chuyên nghiệp". Các nhóm nhà đầu tư tổ chức đã mua ròng khá mạnh chứng tỏ nền kinh tế vẫn đang duy trì ổn định.
Bên cạnh đó, các biện pháp giao dịch mới được áp dụng vào tháng 9 tạo điều kiện cho thanh khoản thị trường cải thiện. Dòng tiền tìm về những nhóm ngành có trọng số cao như BĐS, Ngân hàng, Chứng khoán,...
Về mức định giá, P/E cuối tháng 8 của VN-Index đạt 13,67 lần, tăng so với mức 12,95 lần hồi tháng 7. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16,x cho cả năm 2022 dự báo trước đó. Việc định giá hấp dẫn đã kích thích dòng tiền bắt đáy tham gia. TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến trên 20% và mức định giá P/E forward hiện chỉ tương đương 11,3x.
Bên cạnh đó, TPS cũng cho rằng khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang hết sức hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Chính vì vậy, đội ngũ phân tích đánh giá đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.
Dựa trên biến động của VN-Index với ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, đội ngũ phân tích TPS đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong tháng 9:
Trong kịch bản tích cực, TPS cho rằng nếu VN-Index có thể chinh phục hoàn toàn được vùng kháng cự 1.300-1.330 điểm, niềm tin về triển vọng của thị trường sẽ được củng cố và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại và từ đó hướng đến mục tiêu mới là vùng 1.331-1.420 điểm (đỉnh tháng 7/2021).
Trong kịch bản trung lập, VN-Index sẽ tiếp tục biến động sideway trong kênh giá 1.240-1.330 điểm với thanh khoản suy giảm dần.
Ở kịch bản tiêu cực, khi hỗ trợ 1.240 điểm bị phá vỡ, VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm mạnh và rơi về hỗ trợ gần nhất là đáy tháng 7/2022 (tương đương vùng 1.140-1.239 điểm).
Nhịp Sống Thị Trường