MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả giá quá cao, nhà đầu tư trúng giá Du lịch Bưu Điện quyết định "bỏ chạy" và mất hơn 16 tỷ đồng tiền cọc

24-12-2017 - 10:22 AM | Doanh nghiệp

Bỏ giá hơn gấp đôi giá khởi điểm, một nhà đầu tư tổ chức đã khiến đợt bán đấu giá cổ phần Công ty Cổ phần Du lịch Bưu do Bưu điện Việt Nam nắm giữ tưởng thành công hoá ra thất bại.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ lần thứ 2 tổ chức bán đấu giá toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Du lịch Bưu điện vào 08h30 ngày 17/01/2018.

Theo đó, Bưu điện Việt Nam sẽ bán đấu giá gần 8,8 triệu cổ phần, chiếm 90,22% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Du lịch Bưu điện với mức giá khởi điểm 24.600 đồng/cổ phần, cao hơn 33% so với mức giá khởi điểm cách đây gần 3 tháng. Nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần Công ty Cổ phần Du lịch Bưu điện đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 8h30 ngày 18/12/2017 đến 10/1/2018.

Cuối tháng 9/2017, trong phiên đấu giá lần đầu tiên đã có 10 nhà đầu tư đăng ký mua gồm 3 tổ chức và 7 nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 42,55 triệu cổ phần, gấp 5 lần so với lượng chào bán. Trong đó, NĐT tổ chức đăng ký mua đến 26,4 triệu cp và các cá nhân đăng ký hơn 16 triệu cổ phiếu.

Với lượng cầu cao, phiên đấu giá đã thành công khi một nhà đầu tư tổ chức bỏ giá cao nhất 41.500 đồng/cp, cao gấp 2,2 lần so với giá khởi điểm 18.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, nhà đầu tư này phải bỏ ra tổng cộng 365 tỷ đồng để mua trọn lô 90,22% cổ phần Công ty Cổ phần Du lịch Bưu điện do Bưu điện Việt Nam nắm giữ.

Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư này bất ngờ hủy kèo, bỏ cọc và không thanh toán số tiền phải nộp thêm để dẫn đến việc phải tổ chức đấu giá lại vào phiên tới đây. Với việc đăng ký mua trọn lô thì số tiền cọc mà nhà đầu tư này đã đóng là gần 16,3 tỷ đồng.

Theo tài liệu công bố, Công ty Cổ phần Du lịch Bưu Điện được thành lập năm 2001 với số vốn 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh khách sạn bưu điện, du lịch, lữ hành. Vốn điều lệ hiện nay của công ty là 97,5 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu của Du lịch Bưu Điện đạt 51,5 tỷ đồng, giảm 15,5% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,1 tỷ đồng giảm 93% so với năm 2015. Trong cả 2 năm 2015, 2016 công ty đều không chia cổ tức.

Dù vậy, Du lịch Bưu Điện chính là một tài sản tốt khi sở hữu hàng loạt bất động sản có giá trị cao tại các trung tâm du lịch như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò và Vũng Tàu. Tất cả 4 khách sạn này, công ty đều không trực tiếp khai thác cho bên khác thuê lại nên lợi nhuận thu được không đáng kể. Trong khi đó, Công ty hầu như không vay nợ, tổng tài sản của Du lịch Bưu Điện tại thời điểm 31/12/2016 là 111 tỷ đồng thì chiếm gần 55% là tiền mặt và tiền gởi ngân hàng.

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên