MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả lại hàng chục nghìn tỷ vốn ODA: Hiện tượng đáng tiếc…

Trả lại hàng chục nghìn tỷ vốn ODA: Hiện tượng đáng tiếc…

ODA là nguồn vốn ưu đãi, nhưng theo số liệu từ Bộ Tài chính, 8 tháng qua, tổng cộng có tới 17 bộ, địa phương trả lại nguồn vốn này với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng.

ODA là nguồn vốn ưu đãi, nhưng theo số liệu từ Bộ Tài chính, 8 tháng qua, tổng cộng có tới 17 bộ, địa phương trả lại nguồn vốn này với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng.

Vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nhiều năm qua đã góp phần giúp Việt Nam ra khỏi nhóm nước nghèo, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy vậy, trong 8 tháng qua, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đạt rất thấp, nhiều bộ, ngành chưa giải ngân đồng vốn nào, xin trả lại tiền Trung ương. Đây là hiện tượng cần hết sức lưu ý.

Tiếp diễn tình trạng xin trả lại vốn

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là một trong những bộ ngành trả lại kế hoạch vốn ODA năm nay với hơn 19 tỷ đồng. Số vốn trả lại này thuộc 4 Dự án Chương trình Kỹ năng và Kiến thức cho Tăng trưởng Kinh tế Toàn diện từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại các trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Sư phạm Lỹ thuật Vĩnh Long và trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.

“Nếu theo đúng tiến độ thì Bộ đã phải phê duyệt Kế hoạch đấu thầu trước 20/6, nhưng đến nay các đơn vị trực tiếp thực hiện dự án như Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Ban Quản lý các Dự án… vẫn chưa trình Kế hoạch đấu thầu, nên không còn đủ thời gian để đấu thầu và trao thầu trong năm nay. Đây chính là lý do khiến Bộ phải xin trả lại vốn ODA”, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải.

Không chỉ có Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong danh sách báo cáo trả lại kế hoạch vốn ODA năm 2022 còn có nhiều cái tên khác như Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại hơn 250 tỷ đồng, TP.Cần Thơ trả lại hơn 1.000 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh trả lại 322 tỷ đồng… Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng qua, tổng cộng có 17 bộ, địa phương trả lại vốn ODA với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2020, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng một số bộ, ngành, địa phương đã trả lại vốn ODA đã đăng ký, được giao. Tình trạng này vẫn tiếp diễn cho tới nay.

Nguyên nhân?

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, đã có trên 20 nghìn tỷ đồng vốn ODA của các cơ quan trả lại, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dự án và hiệu quả sử dụng vốn vay, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang bị thu hẹp.

Nguyên nhân là do các dự án ODA chủ yếu thực hiện theo hình thức vay ưu đãi. Quy trình vay rất phức tạp, phải thực hiện đúng quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của nước ngoài, đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng dự án kéo dài, giải ngân chậm.

“Hơn nữa, theo quy định, hiện nay các địa phương phải vay một phần nguồn vốn ODA, sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của các địa phương nên một số địa phương không mặn mà với nguồn vốn này”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính, vốn ODA được phân bổ theo nguyên tắc “dưới trình lên, trên bổ xuống”, dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành, địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện.

“Cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau, có những bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân cao, nhưng lại có nơi giải ngân thấp, thậm chí có địa phương chưa giải ngân được đồng nào”, ông Thịnh đặt câu hỏi.

Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch vốn được thực hiện từ quý 3 năm trước, đủ thời gian để chuẩn bị cho các dự án nhận vốn của năm. Tuy nhiên việc trả lại kế hoạch vốn cho thấy một phần công tác chuẩn bị là chưa tốt.

“Việc chuẩn bị đầu tư các dự án của các bộ, ngành, địa phương rất sơ sài, cốt làm sao để xin được. Có hiện tượng một số địa phương chưa có nhu cầu vốn cấp bách bằng địa phương khác nhưng lại "xí phần" vốn ODA; giải phóng mặt bằng chưa xong cũng đề nghị Trung ương phân bổ vốn rồi… để đó”, ông Thịnh lý giải.

Theo Bộ Tài chính, phần vốn trả lại sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho các dự án mới. Dù vậy, việc các bộ, ngành, địa phương phải trả vốn vào cuối năm sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch các năm tiếp theo. Bộ Tài chính e ngại dự kiến hết niên độ vốn nước ngoài chỉ hoàn thành trên 40% kế hoạch được giao. Nếu năm nay giải ngân thấp sẽ dồn vốn sang các năm tiếp theo, áp lực giải ngân lớn hơn.

Thật sự cần thiết mới vay?

Mặc dù Việt Nam đã “tốt nghiệp” sử dụng vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, trong thời gian tới nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng.

Vì vậy, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, trong đó phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đạt từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các chủ dự án, ban quản lý dự án thuộc và trực thuộc khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc sớm có rà soát về việc phân bổ, tiến độ giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó thực hiện điều chuyển kế hoạch sang các dự án khác trong nội bộ có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Căn cứ tình hình thực tế giải ngân, trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022 được giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, sớm có văn bản đề xuất điều chỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, trước ngày 10/10/2022, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các dự án thuộc phạm vi quản lý 9 tháng đầu năm và ước cả năm bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 (chi tiết đến từng dự án).

“Tại báo cáo, các bộ, ngành, địa phương cần nêu rõ các khó khăn vướng mắc, nguyên nhân ảnh hưởng trong công tác giải ngân vốn vay nước ngoài từ đầu năm đến nay, đặc biệt là các nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Bên cạnh giải pháp từ phía Chính phủ, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, việc giải ngân chậm sẽ làm tăng chi phí, không tận dụng được ích lợi của dự án vay ưu đãi. Tính trung bình, nếu dự án chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính. Đây là những cảnh báo rất nghiêm trọng.

“Tính bình quân, một dự án ODA của Việt Nam sau 5 năm đã đắt gấp đối so với dự toán ban đầu. Hay nói cách khác, Việt Nam đã mất đi một con đường, một cây cầu có trị giá đúng bằng con đường, cây cầu đó nếu xây dựng chậm tiến độ mất 5 năm. Vì vậy, các nhà quản lý cần đánh giá toàn diện về việc lập kế hoạch đầu tư, hiệu quả, chất lượng, nhu cầu vốn ODA thời gian qua, từ đó phải xem dự án nào thật sự cần thiết mới vay”, ông Thịnh khuyến nghị.

Việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương. Vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng cấp. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công cần đúng, đủ, sát thực tế, hạn chế việc giao thừa, giao không đủ điều kiện phân bổ dẫn đến phải hủy kế hoạch vốn phân bổ.

“Đây là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và các Bộ trưởng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo Quang Trung

VOV

Trở lên trên