Trải nghiệm du lịch ở vùng biên giới "đáng sợ" nhất thế giới qua con mắt nhà báo nước ngoài: Tản bộ giữa các bãi mìn, binh sĩ kè kè mọi lúc, mọi nơi!
Trước khi tới khu vực phi quân sự DMZ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, du khách sẽ phải ký cam kết chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản sự tò mò của nhiều người.
- 25-08-2019Ngỡ ngàng thấy dân du lịch check-in bước trên… sóng ở ngôi chùa trắng đẹp nhất nhì Đông Nam Á
- 23-08-2019Ơn giời, cẩm nang du lịch Thái Lan theo mọi mùa trong năm đây rồi: Tháng nào đi nơi nấy, khỏi lo mất vui!
- 17-08-2019Khách sạn 5 sao chưa chắc đã... không sao, bỏ túi loạt tips dưới đây để tránh những cú lừa đau thương khi đặt phòng du lịch nè!
Bài chia sẻ về trải nghiệm tham quan vùng biên giới liên Triều của nhà báo tự do người Anh Julian Ryall. Anh đã sống cùng gia đình tại Nhật Bản trong suốt 24 năm và chuyên viết về các vấn đề tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Con hươu ngẩng đầu lên, vẫn lặng lẽ nhai lá từ bụi rậm, không mảy may chú ý tới 20 du khách đang tiến vào khu vực sinh sống của chúng. Có lẽ nó sẽ không thờ ơ như thế nếu hiểu được những biển báo treo dọc hàng rào. Từng tấm biển tam giác ngược màu đỏ chỉ in một từ duy nhất: mìn!
Khu vực phi quân sự nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc (DMZ) là một trong những vùng biên giới được canh gác nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Ở đây có hàng rào dây kẽm gai, các boongke làm từ bao cát và cả bãi mìn. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, Hàn Quốc đã mở thêm một số tuyến đường tham quan xuyên qua phòng tuyến mà trước đây vốn chỉ dành cho quân đội.
Tuyến đường Hòa bình DMZ thứ hai được mở vào tháng 6, tại huyện Cheorwon (Hàn Quốc). Đến tháng 9, tuyến đường thứ ba cũng sẽ được mở cho công chúng tham quan tại thị trấn Paju, cách Seoul 30 km về phía đông bắc. Tôi đang có mặt tại tuyến đường thứ nhất được mở cửa từ tháng 4, dọc theo vùng bờ biển phía đông tỉnh Gangwon, cách thủ đô 90 km. Dải đất kéo dài 257 km tiếp giáp với biển này đã là ranh giới phân cách Triều Tiên và Hàn Quốc từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Chỉ dài vỏn vẹn có 15 m, tuyến đường này không dài hay khó đi. Chính phủ Hàn Quốc dự định sẽ nối 3 tuyến này lại để tạo ra một con đường duy nhất dài 500 km nối từ bờ này sang bờ kia vào năm 2022.
Bãi biển dọc khu phi quân sự DMZ (Ảnh: Julian Ryall)
Chúng tôi đi qua một trạm kiểm soát, nơi có rào chắn sọc đen vàng được đặt sẵn vào vị trí, xung quanh là những người lính cầm vũ khí bán tự động trước ngực. Xen giữa những khoảnh đất trồng bắp cải để làm kim chi, các cơ sở quân sự nấp mình đằng sau những dãy hàng rào cao. Xe nguy trang nằm ở một góc dễ thấy.
Sau khi nghe sĩ quan trông coi nhắc nhở về những thứ không được làm, được sờ, được chụp, chúng tôi đi qua một cánh cổng thép hướng về phía vùng Biển Nhật Bản. Những bậc thang mới xây dẫn xuống bờ biển, đi qua những boongke bê tông nằm trên sườn đồi dốc. Một vài cái đã sụp đổ và không còn được sử dụng, nhưng những cái còn lại vẫn đứng sừng sững, với những tấm bạt phủ lên lỗ súng để che giấu khu vực bên trong.
Du khách trên Con đường Hòa bình DMZ ở Goseong. (Ảnh: AFP)
Bờ biển trải dài sang hai bên. Bên phải tôi là Hàn Quốc; cách 4 km về hướng ngược lại là Triều Tiên. Những tấm hàng rào cao cỡ 3 m được dựng ngay trên bờ biển. Chúng liên kết chặt chẽ với nhau bằng những dây kẽm gai. Từng khu vực đều có còi báo động. Tôi được cảnh báo rằng, chỉ cần chạm vào hàng rào là cả một đội quân sẽ kéo đến.
Đi một cánh cổng khác được khóa chặt tương tự, chúng tôi bước xuống những bậc thang gồ ghề, đã mòn đi bởi bước chân của vô số binh lính để đến gần một đường hầm tàu hỏa đi về hướng Bắc. Được xây dựng từ năm 1937, tuyến tàu này chạy từ Busan tới biên giới Liên bang Nga. Người hướng dẫn viên đầy nhiệt tình của chúng tôi nói rằng, khi mâu thuẫn giữa hai chính phủ được giải quyết, đường tàu này sẽ được kết nối lại và Hàn Quốc "sẽ không còn là hòn đảo" bị chia cắt bởi DMZ.
Du khách đi dọc theo hàng rao tại DMZ. Trên ngọn đồi xa xa là một đài quan sát của Hàn Quốc. (Ảnh: Jung Yeon-je / AFP/Getty Images)
Tuy nhiên, nếu nhìn vào hơn chục sĩ quan đang đi cạnh chúng tôi, bạn sẽ thấy ngày đó còn xa. Họ không cầm theo vũ khí, nhưng luôn quan sát rất cẩn thận. Bất cứ khi nào chúng tôi dừng, họ sẽ tạo thành một vành đai bảo vệ. Từng người một đều quan sát kỹ lưỡng bên ngoài, cặp kính râm lấp ló phía dưới vành mũ quân đội. Họ đứng vững chãi, tay chắp đằng sau lưng.
Chúng tôi đi dọc theo con đường mà các sĩ quan vẫn đi tuần tra mỗi ngày. Ở phía bên trong đất liền là một con hào bê tông, với hàng rào xung quanh treo biển "Có mìn". Ở phía đối diện là hai dãy hàng rào mắt cáo chạy dọc song song nhau. Xa xa là bãi biển hoang sơ, nơi từng đợt sóng vỗ vào bờ, cuốn theo những mảnh gỗ vụn và rong biển. Một con đường an toàn được mở để du khách có thể đi xuyên qua các bãi mìn và khu vực thuộc phạm vi bắn súng. Chúng tôi được kể rằng, vào ban đêm, những chiếc đèn pha rọi công suất lớn sẽ được sử dụng để quan sát các đụn các thấp.
Các sĩ quan Hàn Quốc luôn theo sát từng bước chân du khách (Ảnh: AFP)
Nếu có ai tưởng rằng những tấm biển cảnh báo mìn chỉ là để hù dọa, họ sẽ phải suy nghĩ lại khi nhìn thấy chiếc máy xúc bị bỏ lại gần đó. Năm 2003, một nhóm nhân công được thuê để đào bới khu vực này mà không biết rằng ở đây còn sót lại những quả mìn từ thời chiến tranh Triều Tiên. Người lái máy xúc chỉ phát hiện ra quả mìn khi lái xe qua và vô tích kích nổ. May mắn thay, không ai bị thương nhưng chiếc máy xúc suýt nữa trở thành một đống sắt vụn.
Tiếp theo, du khách được khuyến khích treo lời ước lên "Cây Hòa bình" và rung chuông hòa bình, trước khi đi tới phần cuối đường chạy dọc theo bãi biển.
Du khách viết lời ước nguyện lên Cây Hòa bình (Ảnh: Julian Ryall)
Con đường kết thúc ở một cánh cổng thép được buộc dây kẽm gai, cách biên giới 2 km về hướng Bắc. Các du khách được chụp ảnh lưu niệm trước bút tích của Tổng thống Moon Jae-in: "Con đường đi tới hòa bình bắt đầu từ đây". Các sĩ quan trông coi luôn đảm bảo không có tấm ảnh về chiếc cổng được chụp. Một biển chỉ dẫn trên đường khuất sau khúc quanh ghi "Bình Nhưỡng 230km".
Du khách được chụp ảnh lưu niệm với bút tích của Tổng thống Moon Jae-in. (Ảnh: Julian Ryall)
Sau đó, chúng tôi lên một chiếc xe buýt đã chờ sẵn dẫn lên ngọn đồi dốc để tới Đài quan sát Geumgangsan. Nơi đây đã mở cửa từ lâu cho du khách, với lá cờ của Hàn Quốc và Liên Hợp Quốc tung bay giữa trời. Một chiếc chuông cảnh báo màu đỏ được treo trên bệ cùng với một chiếc búa gần đó. Mặc dù trông cũ kỹ, nó vẫn hoạt động hiệu quả khi cần. Nằm trên đỉnh của ngọn núi kề sát biển, đài quan sát có một hội trường lớn với cửa sổ trải rộng từ sàn nhà lên tới trần nhà, nhìn ra khu vực DMZ và Triều Tiên.
Đài quan sát Geumgangsan
Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi những dãy núi và hồ nước thuộc Khu du lịch Núi Kumgang, từng được mở cửa vào năm 2002 cho du khách Hàn Quốc. Đã có hơn 1 triệu người tới đây thăm quan trước khi chương trình du lịch bị tạm dừng vào tháng 7/2008, sau khi một du khách bị binh lính Triều Tiên bắn chết vì xâm nhập vào vùng cấm địa.
Chỉ cách đài quan sát khoảng 300 m là Trạm gác 829 - 1 trong 20 nơi đóng quân mà hai chính phủ đã đồng ý dỡ bỏ để bày tỏ thiện chí chung. Trước khi Trạm gác 829 bị dẹp bỏ hoàn toàn, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định biến nó trở thành một di tích văn hóa. Như vậy, nó sẽ không bị phá dỡ hoàn toàn mà chỉ ngừng hoạt động.
Cô bé Park Hye-hi (10 tuổi) tạo dáng chụp ảnh tại một điểm quan sát tại khu vực DMZ. (Ảnh: Victoria Kim / Los Angeles Times)
Người hướng dẫn viên dùng que chỉ để giới thiệu những trạm gác quân đội vẫn còn hoạt động ở bên kia thung lũng. Tôi lấy tay che mắt khỏi nắng và cố gắng nhận ra những người lính. Tôi hỏi một trong những sĩ quan trông coi rằng liệu binh lính Triều Tiên có thấy chúng tôi không.
"Dĩ nhiên rồi", anh ta đáp.
Hiện tại, các tuyến đường mới mở này chỉ dành cho công dân mang quốc tịch Hàn Quốc đăng ký thông qua hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, các cơ quan du lịch đang hy vọng khách nước ngoài cũng sẽ sớm được trải nghiệm điều này.
SCMP