Trái ngược với khu Gangnam xa hoa là những "ngôi nhà bán ngầm" trong Ký sinh trùng đến cuộc sống bi thảm ở khu ổ chuột của người nghèo ở Hàn Quốc
Sau khi choáng ngợp trước sự xa hoa, hào nhoáng của tầng lớp thượng lưu và giới giải trí Hàn Quốc, dư luận lại phải suy tư khi nhìn thấy cuộc sống trong những căn nhà bán ngầm dưới mặt đất.
- 17-10-2019Thế khó của người tiêu dùng Hàn Quốc giữa 'cơn bão' thương chiến: Đặt vé máy bay sang Nhật Bản để mua sắm, lén lút vào cửa hàng đồ Nhật vì sợ bị chỉ trích
- 06-10-2019Hàn Quốc chuẩn bị đương đầu với khủng hoảng giảm phát kéo dài kiểu Nhật?
- 28-09-2019Hai thị trường mới nổi Hàn Quốc và Nga sẽ “không ngại” một cuộc suy thoái toàn cầu
- 10-09-2019Giáo sư kinh tế Hàn Quốc bị buộc kết hôn và sinh con
- 19-08-2019Chaebol Hàn Quốc “chịu đòn” từ chiến tranh thương mại: Samsung, SK, Lotte... đồng loạt tụt dốc không phanh, lợi nhuận bị "cuốn bay" mất cả một nửa
Đằng sau sự xa hoa của khu nhà giàu Gangnam hay vẻ hào nhoáng của giới giải trí Hàn Quốc là cả một câu chuyện buồn về về thu nhập, bất bình đẳng xã hội và áp lực mưu sinh. Dù Hàn Quốc là một đất nước phát triển nhưng gần một nửa người già của quốc gia này phải sống trong cảnh đói nghèo.
Đạo diễn phim " Ký sinh trùng " Bong Joon Ho từng nói: "Chỉ có ở Hàn Quốc mới thấy được những ngôi nhà 'bán ngầm trong lòng đất', một nửa ngôi nhà nằm dưới mặt đất. Đây là nơi người ta có thể thấy được những màu sắc riêng biệt của Hàn Quốc, là nơi dù có ánh mặt trời chiếu rọi mỗi ngày nhưng vẫn rất ẩm ướt đến mức tường nhà xuất hiện nấm mốc, nơi đây mang đến cho người ta một cảm giác nếu không cẩn thận sẽ có thể ngã lăn ra mặt sàn."
Một cảnh trong phim "Ký sinh trùng", 2 nhân vật đang tranh nhau bắt wifi trong nhà tắm của một ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất.
Câu chuyện của các nhân vật trong phim "Ký sinh trùng" đã vẽ ra bức tranh rất rõ ràng về sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Sau khi bước ra khỏi rạp phim, cộng đồng mạng đã mở nhiều cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề "Tôi cũng đã sống trong một ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất":
"Bồn cầu vệ sinh nhà tôi cũng ở vị trí như trong phim đấy".
"Phòng tắm chỉ có vài ba bậc nên tôi không thể đứng tắm được".
"Thấy cuộc sống mệt mỏi thường ngày được dựng thành phim, càng thấy mình vô cùng thảm hại".
Vậy rốt cuộc, cuộc sống ở những căn nhà ổ chuột "bán ngầm trong lòng đất" khó khăn đến thế nào?
Thứ nhất, phải đối mặt với bóng tối và ẩm thấp.
Do phần không gian nằm trên mặt đất khá ít, ánh nắng khó có thể chiếu thẳng vào nhà, khiến những người trong nhà khó lòng phân biệt ban ngày hay đêm tối. Thiếu ánh nắng trong một thời gian dài cũng khiến không khí bên trong cực kỳ ẩm ướt, tường nhà đều bị mốc và bong tróc sơn, quần áo phơi trong nhà phải mất 2 ngày mới khô ráo. Vì lý do này, ngay cả trong mùa hè, những căn nhà bán ngầm trong lòng đất như thế này đều phải trang bị hệ thống hút ẩm và sưởi ấm.
Một khoảnh khắc của nhân vật tài xế họ Kim khiến khán giả của phim "Ký sinh trùng" cảm nhận rõ rệt sự chênh lệch giàu nghèo ở Hàn Quốc.
Thứ hai, con người phải đối mặt với mùi mốc meo và mùi cống rãnh.
Dù có dùng bao nhiêu nước xả vải thơm tho, quần áo vẫn sẽ mùi khó chịu. Như một tình tiết trong phim "Ký sinh trùng", người tài xế họ Kim có khoác lên một bộ âu phục lịch lãm, cách nói chuyện thanh lịch và lễ độ đến thế nào thì mùi cơ thể cũng đã phản bội ông, cái mùi được cho là mùi của tầng lớp thấp kém nhất xã hội.
Ngoài ra, khả năng cách âm của những ngôi nhà ổ chuột này rất kém, tiếng dội nước trong nhà tắm hay thậm chí là tiếng vợ chồng ân ái đều có thể nghe rõ mồn một ở bất cứ nơi nào trong nhà.
Chưa kể đến sự hoành hành của côn trùng và bò sát. Đôi lúc, khi cả gia đình đang ăn uống cùng nhau lại có sự xuất hiện của "những vị khách không mời" như gián hay chuột, chúng cứ bò chầm chậm lướt qua.
Tuy nhiên, khi trời mưa mới là những khoảng thời gian kinh khủng nhất. Một cơn mưa là điều rất bình thường với những người sống trên mặt đất, nhưng lại có khả năng nhấn chìm một ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất.
Mùa mưa là thời điểm đáng sợ nhất của những con người cư ngụ tại các ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất.
Mùa hè 8 năm trước, một cơn mưa lớn đã đổ ập xuống Seoul, nhấn chìm hàng chục nghìn ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất, trong đó có ngôi nhà chỉ rộng 23 mét vuông của cô Kim Hee Sun (46 tuổi).
8 giờ sáng ngày hôm đó, khi cô đang chuẩn bị đến công ty, còn con gái cô đang ngủ trong nhà thì đột nhiên có tiếng cửa kính bị vỡ, sau đó nước mưa chảy vào nhà liên tục. Khi bắt đầu, nước mưa chỉ ngập đến ngang mắt cá chân, chẳng mấy chốc đã ngập đến đầu gối, sau đó là đến cổ.
Dưới áp lực nước, cô Hee Sun đã không thể tự mình mở cửa để thoát ra, chỉ có thể hét lên cầu cứu trong vô vọng, trong khi con gái cô gọi đến số khẩn cấp 119. Trong biển nước, hai mẹ con cô đã nghĩ đến nhà vệ sinh, nơi duy nhất trong nhà không có lưới bảo vệ. Hai người bước lên mấy bậc tam cấp cao 1m3 rồi thoát ra ngoài qua cửa sổ thông gió trên cao.
Những cơn mưa khủng khiếp như thế, năm nào cũng xuất hiện. Chỉ cần mưa xuống, những người cư trú trong các căn nhà xập xệ đó đều cảm thấy bất an. Mùa mưa cuối tháng 8 năm ngoái, hơn 600 hộ gia đình ở Eunpyeong-gu, Seoul đã rơi vào tình trạng nhà cửa chìm trong ngập lụt, đa phần là những ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất. Họ không thể về nhà của chính mình trong vòng một tháng đó, ngay cả Tết Trung Thu cũng phải ở bên ngoài.
Một người phụ nữ đang cố gắng tát nước mưa ra khỏi nhà trong vô vọng.
Ở những khu vực tập trung nhiều ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất, tội phạm cũng âm thầm tăng cao. Xâm phạm quyền riêng tư, quấy rối tình dục, trộm cắp, cướp bóc,… là những loại hình phạm tội phổ biến tại các khu nhà bán ngầm trong lòng đất, nơi mà an ninh không được đảm bảo. Đa số các cư dân các khu ổ chuột đều không được hỗ trợ gì từ phía chính phủ.
Theo chính phủ Hàn Quốc, tiêu chuẩn nơi ở dành cho một người tối thiểu là 14 mét vuông, bắt buộc có một bếp và một phòng tắm. Nhưng dựa trên kết quả khảo sát năm 2015, có hơn 860 nghìn người ở Hàn Quốc đang sống trong các ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất. Trong số đó, hơn 90% ngôi nhà bán ngầm trong lòng đất nằm ở các đô thị như Seoul, Incheon và Gryeonggi.