MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 huy động được 250.000 tỷ đồng, dự báo còn tiếp tục tăng mạnh

Năm 2019 huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250 nghìn tỷ, tăng 7% so với 2018. Dù vậy, TS.Cấn Văn Lực vẫn nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng.

Tham gia thảo luận tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: "Cơ hội tăng tốc & bứt phá", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng trong bất kể nền kinh tế nào luôn có 3 thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa, và thị trường tài chính.

Riêng thị trường tài chính Việt Nam hiện đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô đã gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.

Mặc dù vậy, thị trường tài chính năm qua cũng cho thấy sự phát triển tích cực hơn và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền ra nền kinh tế tốt, đảm bảo mức lạm phát 2,73%.

Bên cạnh đó, thể chế trong năm qua cũng có nhiều cải thiện, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm được thông qua, Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lãi suất, thanh khoản, tín dụng.

Đặc biệt, năm qua huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250 nghìn tỷ, tăng 7% so với 2018. Dù vậy, ông Lực nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng. Theo đó, thị trường trái phiếu năm 2020 sẽ tiếp đà tăng trưởng mạnh.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng TPDN phát hành là 178.732 tỷ đồng (số liệu bao gồm cả các lô phát hành ra công chúng nhưng không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do chưa được công bố), trong đó các NHTM vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 79.411 tỷ đồng (chiếm 44,4%), đứng sau là các doanh nghiệp BĐS với 61.269 tỷ đồng (chiếm 34,3%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, CTCK và các doanh nghiệp khác.

Trong báo cáo vĩ mô mới của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh trong những năm gần đây về quy mô, tính đa dạng và khả năng tiếp cận với nhà đầu tư nhỏ đã tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với thị trường cổ phiếu.

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 huy động được 250.000 tỷ đồng, dự báo còn tiếp tục tăng mạnh - Ảnh 1.

Được biết, thị trường cổ phiếu năm qua huy động 314 nghìn tỷ, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, cổ phiếu nhóm công nghệ và viễn thông có diễn biến tốt nhất trên sàn chứng khoán khi tăng tới 36,7%, lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm tăng 20%, riêng nhóm công ty chứng khoán thì không thuận lợi lắm khi giảm 16,3%.

2020 theo đánh giá là năm quan trọng của thị trường chứng khoán. Theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên