Trái phiếu phát hành giảm mạnh nhưng rủi ro leo thang
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 1/2021 là 37.400 tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng rủi ro tăng cao khi 50% không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu...
- 28-04-2021Huy động vốn quốc tế qua kênh trái phiếu Chính phủ
- 20-04-2021Trái phiếu hay... thuốc độc?
- 16-04-2021Quý 2, dự kiến huy động 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Trong đó, có gần 7.000 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng, tương đương 18,7% tổng lượng phát hành toàn thị trường, cao hơn nhiều mức bình quân chỉ 5,1% của cả năm 2020, theo báo cáo vừa công bố của Chứng khoán SSI.
QUÁN QUÂN QUY MÔ VÀ LÃI SUẤT: DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN
Trong quý 1/2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 23.150 tỷ đồng trái phiếu, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chiếm tới 61,9% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Kỳ hạn bình quân các trái phiếu bất động sản phát hành trong quý 1/2021 giảm mạnh xuống 2,9 năm (từ mức bình quân 3,9 năm của cả 2 năm 2019 và 2020) nên kéo kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành toàn thị trường giảm từ 4.23 năm (2020) xuống 3,26 năm (quý 1/2021).
Mặc dù kỳ hạn trái phiếu ngắn hơn nhưng lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản nhích tăng so với quý 4/2020, lên mức 10,41%/năm và hiện là nhóm có lãi suất cao nhất thị trường. Nhóm ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất (chỉ 4,67%/năm) do VPB phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm lãi suất chỉ 3,9%/năm.
Top 10 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong quý 1/2021.
Đáng lưu ý, trong tổng lượng phát hành quý 1/2021, chỉ có 17,4% được bảo đảm bằng bất động sản; 17,2% được đảm bảo bằng tài sản; 14,7% được đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu; còn lại 50,2% là các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu.
Cụ thể, có 15,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo (chiếm 41%) gồm 3,58 nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán; 7 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản; 2,2 nghìn tỷ đồng các trái phiếu phát hành ra công chúng của MSN, VNT, SBT và một số lô trái phiếu khác.
Có 3,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chiếm 9,2%) có tài sản đảm bảo hoàn toàn là cổ phiếu gồm trái phiếu của các công ty niêm yết PDR, KDC, KBC, APH, DXG và một số công ty chưa niêm yết khác.
Lượng trái phiếu phát hành trong quý 1/2021 phân theo tài sản đảm bảo.
PHÁT HÀNH RA CÔNG CHÚNG TĂNG
Thị trường sơ cấp hạ nhiệt khi tổng lượng phát hành quý 1/2021 là 37,4 nghìn tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2020, trong đó tỷ trọng phát hành ra công chúng tăng lên 19% từ mức bình quân 5% của năm 2020.
Chịu tác động từ quy định về điều kiện đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 1.529 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp trong quý 1/2021, chỉ bằng 16% lượng mua cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân giảm từ 19,7% quý 1/2020 xuống mức 4,1% trong quý 1/2021. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua 412 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng và 1.117 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Đáng chú ý là các công ty chứng khoán mua 7,5 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, chiếm 20% lượng phát hành quý1/2021 trong đó gồm 5,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản; 1,1 nghìn tỷ trái phiếu năng lượng; 1 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng. Các công ty chứng khoán là trung gian phân phối trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất trên thị trường nên diễn biến này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp vẫn đang hết sức sôi động.
Các Ngân hàng thương mại đầu tư 2.1 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chiếm 5,5% phát hành quý 1/2021, các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo trong đó có cả 200 tỷ đồng của Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Nova Song Giang và 150 tỷ đồng của CTCP Nhựa Đồng Nai Miền Trung được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu.
Cơ cấu nhà đầu tư cá nhân trên thị trường sơ cấp quý 1/2021.
Cũng theo báo cáo, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam tăng từ 16,37 nghìn tỷ đồng tại cuối năm 2019 lên 27,32 tỷ đồng tại cuối năm 2020, tương ứng mức tăng trưởng tới 67%/năm.
Trong quý 1/2021, các quỹ đầu tư trái phiếu tiếp tục hút tiền, giá trị tài sản ròng tại cuối quý đã tăng lên mức 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2020.
Thị phần tính theo giá trị tài sản ròng của các quỹ trái phiếu.
Mặc dù quỹ đầu tư trái phiếu TCBF của Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vẫn là quỹ trái phiếu lớn nhất trên thị trường nhưng thị phần tính theo tổng giá trị tài sản ròng đang giảm dần từ 93,5% (31/12/2019) xuống 88,3% (31/12/2020) và còn 86% (31/3/2021).
Hầu hết các quỹ trái phiếu đều tăng tăng quy mô trong Q1/2021 trong đó 3 quỹ tăng trưởng mạnh và có tổng tài sản ròng đứng ngay sau TCBF là: quỹ đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF); Quỹ Đầu Tư Trái Phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF); Quỹ đầu tư Trái phiếu Việt nam (VFMVFB).
Vneconomy