MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái vải Việt Nam xây dựng thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới

11-06-2022 - 17:20 PM | Thị trường

Trái vải Việt Nam xây dựng thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới

Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng là cách trái vải Việt Nam bắt đầu hành trình tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế.

Bắc Giang lên kế hoạch xuất khẩu vải thiều sang Mỹ

Cách đấy 4 năm, trái vải tươi của Việt Nam đã được phía Mỹ chấp thuận. Nhưng đến nay, sản lượng vải tươi xuất khẩu vào thị trường này còn khá khiêm tốn.

Sau 2 năm tập trung thị trường Nhật, năm nay nhiều doanh nghiệp, vùng trồng tiếp tục đẩy mạnh vào thị trường Mỹ - một thị trường tiềm năng nhưng khá là "khó tính", đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Trái vải Việt Nam xây dựng thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới - Ảnh 1.

Quả vải của Việt Nam có độ ngọt và thơm đặc trưng nên đang được thị trường Mỹ rất ưa chuộng. Ảnh minh họa.

Tại Bắc Giang, những vườn vải thiều hữu cơ đều được đánh mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn IRADS do phía Mỹ cấp cho các hộ nông dân.

"Chúng tôi phải tuân thủ những quy định của thị trường Mỹ với quả vải của Việt Nam từ bao bì đóng gói, cho đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mục tiêu vào thị trường Mỹ của chúng tôi trong năm nay là khoảng 20 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD", bà Đỗ Linh Nhâm - Phó Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết.

Phía các nhà nhập khẩu tại Mỹ cho rằng, quả vải của Việt Nam có độ ngọt và thơm đặc trưng nên đang được thị trường này rất ưa chuộng, mặc dù giá thành một cân vải thiều Bắc Giang bán tại Mỹ đang có giá cao gấp 3 so với những loại vải của các nước khác.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết, sản lượng vải toàn tỉnh năm nay dự kiến trên 160.000 tấn. Trong đó sẽ có khoảng 1.600 tấn vải được Mỹ cấp mã số IRADS sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU.

Khó khăn trong nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam sang Mỹ

Số liệu được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố cho thấy trong năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, nước này vẫn nhập khẩu 20,5 tỷ USD giá trị trái cây. Con số này của năm ngoái là hơn 22 tỷ USD. Điều này cho thấy Mỹ là thị trường đầy tiềm năng đối với hoa quả Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng.

Đặc biệt trái vải lại là 1 trong 6 loại trái cây của nước ta xuất sang nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài năm qua. Không chỉ các doanh nghiệp tại Việt Nam, một số doanh nghiệp của người Việt tại Mỹ cũng đã tích cực chuẩn bị, với nhiều nỗ lực nhằm giảm bớt khó khăn trong quá trình nhập khẩu.

Từ nhiều tháng nay, Công ty Dragonberry Produce đã chuẩn bị cho việc nhập khẩu vải từ Việt Nam sang Mỹ. Lần đầu tiên những trái vải tươi được doanh nghiệp này đưa vào các siêu thị dòng chính của Mỹ, nên mẫu mã bao bì được xác định là yếu tố quan trọng đầu tiên.

"Chúng tôi có in hình ảnh trái vải kèm theo những bông hoa mang tính nghệ thuật rất đẹp. Cùng với đó là biểu tượng cho thấy trái vải này bay trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ, để nhấn mạnh rằng sản phẩm này rất tươi, trực tiếp từ trang trại tới siêu thị. Ở mặt sau chúng tôi giới thiệu cách ăn trái vải tươi. Hầu hết người tiêu dùng Mỹ chưa bao giờ thấy trái vải tươi, vì thế để bán được hàng phải hướng dẫn họ cách ăn", chị Amy Nguyễn - công ty Dragonberry Produce, bang Oregon, Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp trên khi nhập vải tươi sang Mỹ là chi phí vận chuyển. Theo ước tính, cước vận chuyển bằng đường hàng không hiện chiếm tới hơn 70% giá thành 1 kg vải tươi khi sang tới Mỹ.

Chị Amy Nguyễn nói: "Thứ nhất là chúng tôi liên kết quảng bá sản phẩm. Chúng tôi có thể kết hợp quảng bá với đơn vị trồng vải và để logo của họ ở một góc. Chúng tôi cũng tính đến việc dùng bao bì nhỏ hơn bằng việc đóng gói với trọng lượng ít hơn, giá một túi vải tại các cửa hàng bán lẻ sẽ thấp hơn, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp cận được tới nhiều khách hàng".

Hiện doanh nghiệp trên đã nhập vào Mỹ gần 2 tấn vải thiều Việt Nam với giá thành sau khi thông quan tại sân bay Los Angeles là 97 USD một thùng 5 kg, tương đương gần 450.000 đồng/1 kg, chưa bao gồm lợi nhuận của nhà nhập khẩu và các siêu thị bán lẻ.

Trái vải Việt Nam xây dựng thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới - Ảnh 2.

Trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp tại Mỹ khi nhập vải tươi sang đây là chi phí vận chuyển.

Trong khi đó tại thời điểm này, vải Mexico giao buôn tại Mỹ là 60 USD một thùng 7 kg, tương đương gần 200.000 đồng/1 kg. Còn giá vải Trung Quốc giao buôn tại Mỹ trong 2 tuần tới được chào với giá 30 USD 1 thùng 5 kg, tương đương gần 140.000 đồng/1 kg.

Như vậy, nếu không có những giải pháp phù hợp kịp thời thì vải thiều Việt Nam, với mức giá cao từ hơn gấp đôi đến gấp 3 lần sản phẩm cùng loại, sẽ khó có thể bán được ở thị trường đầy tiềm năng như Mỹ.

Bên cạnh đó, để gia tăng lượng hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, điều quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo chất lượng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng mạng lưới tiêu thụ vượt ra khỏi các địa bàn truyền thống.

Tiếp tục đưa vải tươi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Tại Bắc Giang, hay Hải Dương đây là thời điểm người nông dân trồng vải đang khá bận rộn vào vụ thu hoạch. Thị trường Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là thị trường truyền thống, tiêu thụ phần lớn lượng vải tươi của Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách "Zezo COVID", nên dự báo việc xuất khẩu vải vào thị trường này cũng tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi có cửa khẩu với Trung Quốc đã lên kế hoạch sớm thực hiện luồng xanh sao cho quả vải được xuất khẩu thuận lợi nhất.

Từ ngay đầu tháng 6, vải thiều được cho vào mặt hàng ưu tiên làm thủ tục thông quan sớm, với làn ưu tiên trong ngày tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Tỉnh Lạng Sơn còn tăng cường sắp xếp bến bãi, điều tiết giao thông, mở rộng "vùng xanh an toàn" tại cửa khẩu, thích ứng với yêu cầu phòng chống dịch của hai bên.

Riêng với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp còn mở rộng thị phần xuất khẩu nhờ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Theo ước tính của một số doanh nghiệp, nguồn khách nước ngoài liên hệ mua vải từ việc tìm hiểu trên trang thương mại điện tử chiếm khoảng 30%.

Trái vải Việt Nam xây dựng thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới - Ảnh 3.

Dự kiến năm nay sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường khoảng gần 120.000 tấn. Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh thương hiệu trái vải Việt Nam vào thị trường EU, Nhật, Mỹ bằng chất lượng, độ tươi ngon, tiếp tục duy trì nâng cao giá trị của trái vải vào thị trường truyền thống như Trung Quốc… đó là cách mà trái vải Việt Nam đang dần xây dựng được thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới.

Theo báo cáo mới nhất từ huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an đã nhất trí tạo điều kiện cho 200 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh vào địa phương để thu mua vải thiều năm nay. Đến nay đã có 16 thương nhân Trung Quốc đến Lục Ngạn để thu mua vải sớm.

Giá bán vải đang dao động trong khoảng 18.000 - 35.000 đồng/kg. Mức giá này được đánh giá là khá tốt thời điểm đầu mùa. Dự kiến năm nay sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường khoảng gần 120.000 tấn.

Theo VTV Digital

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên