Trái xoài Việt Nam ở vị trí nào trên thế giới?
Không chỉ trái xoài, nhiều sản phẩm của Việt Nam dù chất lượng cao nhưng vẫn kém cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.
- 19-04-20198 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất sang Mỹ
- 23-03-2019Giật mình với xoài Nhật giá siêu đắt 1,7 triệu đồng/quả
- 06-03-2019Giá cao, xoài Việt lạc quan trên đất Mỹ
Sáng 23-4, trao đổi với hơn 150 doanh nghiệp phía Nam tại hội thảo tập huấn, kết nối doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON - Nhật Bản (chủ hệ thống trung tâm thương mại AEON Mall), ông Yasuo Nishitoghe, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho biết: "Trái xoài Việt Nam rất ngon, tôi rất thích nhưng tại Nhật lại đang bán nhiều xoài của Thái Lan, Philippine, Đài Loan…
Theo ông Yasuo Nishitoghe, nếu không so sánh với xoài của Đài Loan, Thái Lan, sẽ không biết được là trong thị trường cạnh tranh quốc tế, xoài Việt Nam đang ở vị trí nào. Năm 2014, AEON bắt đầu bán xoài Pakistan. Nhờ giá rẻ, ngon hơn cả xoài Thái, Philippine nên xoài Pakistan thắng thế. Tôi muốn khách hàng chọn mua xoài Việt Nam và rất cần các công ty sản xuất, xuất khẩu nông sản hợp tác chặt chẽ với chúng tôi để cải thiện chất lượng, giảm giá thành nhằm sản phẩm đủ sức cạnh tranh" – Tổng giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ.
Xoài Việt Nam ngon nhưng vẫn kém cạnh tranh tại thị trường Nhật
Ông Yasuo Nishitoghe dẫn số liệu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang hệ thống bán lẻ của AEON ở Nhật 250 triệu USD và để tăng doanh thu này lên gấp đôi vào năm 2020, gấp 4 lần vào năm 2025, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía DN và sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam lẫn Tập đoàn AEON.
"Doanh số xuất khẩu của Việt Nam tăng đều hằng năm nhưng chủ yếu đến từ các các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Bộ Công Thương Việt Nam mong muốn hỗ trợ nâng cao năng lực cho DN Việt xuất khẩu sang Nhật Bản" – ông Yasuo Nishitoghe nói.
Theo vị này, các siêu thị AEON tại Nhật phân phối sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả sản phẩm phải qua quá trình cạnh tranh quốc tế để được có trên quầy kệ AEON. Nếu DN Việt Nam đưa được hàng hoá vào AEON Nhật Bản nghĩa là sản phẩm đó đã thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế.
Một số DN tại Việt Nam đã làm được điều đó. Điển hình là Công ty CP Việt Nam đã xuất sang AEON Nhật Bản 1.000 tấn cá ba sa trong năm 2018 và được AEON trao danh hiệu "nhà cung cấp ưu tú". Sản phẩm được người tiêu dùng Nhật rất ưa chuộng do nhà sản xuất đã đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật từ AEON: thay đổi thức ăn cho cá, đầu tư mới máy móc thiết bị sản xuất...
Bộ phận thu mua AEON Việt Nam gặp gỡ, tư vấn cho DN Việt tại hội thảo sáng 23-4
Hội thảo Kết nối DN tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON do Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ chủ trì tổ chức tại TP HCM. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác được ký kết tại Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON từ tháng 10 năm 2018.
Một trong những nội dung của thoả thuận hợp tác là 2 bên đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ xuất khẩu sang AEON Nhật Bản 500 triệu USD, đến năm 2025 là 1 tỉ USD. Đại diện AEON cho hay nhà bán lẻ này đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết đã ký với Bộ Công Thương trong thời gian qua gồm: mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trong toàn hệ thống, từng bước hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất cho nhà cung cấp Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn của AEON; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu người tiêu dùng tại Nhật Bản và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống các nước.
Được biết, hiện AEON Nhật Bản chủ yếu nhập sản phẩm may mặc, thủy sản, đồ gỗ, giày dép, các loại túi, mũ, dù từ Việt Nam nhưng số lượng còn rất khiêm tốn. Chỉ riêng lĩnh vực may mặc, sản lượng hàng Việt Nam xuất sang AEON còn ít hơn hàng Campuchia, Myanmar.
Các chuyên gia đến từ AEON cho biết năm 2019, tập đoàn này đặt trọng tâm thu mua 4 nhóm hàng từ Việt Nam là dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe. Với nguyên tắc "yên tâm, tin cậy, chất lượng cao", AEON đặt ra yêu cầu nhà cung cấp phải tuân thủ quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng.
Ngay tại hội thảo, các DN đã được trực tiếp làm việc với các chuyên gia, bộ phận mua hàng của AEON trong 4 ngành hàng dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe để tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.
Phía AEON cũng cho hay tháng 6-2019 sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản. Tuần hàng lấy chủ đề "Việt Nam hấp dẫn", giới thiệu văn hoá ẩm thực phong phú của Việt Nam bao gồm các món ăn, đồ ăn vặt, hàng thủ công mỹ nghệ… Trong khuôn khổ tuần hàng sẽ diễn ra sự kiện kết nối cho DN Việt với bộ phận thu mua của AEON tại Nhật, hội thảo giới thiệu những quy chuẩn quản lý chất lượng của toàn tập đoàn Aeon…
Người lao động