Trạm BOT T1,T2 sẽ giảm giá 30%-100%
Thêm nhiều khu vực quanh hai trạm T1, T2 có các phương tiện được miễn, giảm giá 100%.
- 29-01-2018Ngày mai lấy ý kiến dân về mức giảm phí BOT quốc lộ 91
- 18-01-2018Bộ GTVT: Một số đối tượng lôi kéo, kích động lái xe phản đối việc trả phí BOT
- 15-01-2018Kiến nghị tạm dừng thu phí BOT cầu Đồng Nai do chủ đầu tư “chây ì” sửa chữa
- 09-12-2017Thừa Thiên - Huế đề nghị miễn giảm phí BOT cho người dân địa phương
- 06-12-2017Chủ đầu tư đề nghị điều tra hành vi gây rối tại trạm thu phí BOT Cai Lậy
Ngày 30-1, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, tổ công tác do Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Sở GTVT TP Cần Thơ, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đã có buổi họp với người dân , doanh nghiệp trên địa bàn quận Ô Môn, TP Cần Thơ để đối thoại, đồng thời công bố phương án miễn, giảm cho các phương tiện lưu thông qua trạm T1 (quốc lộ 91, đặt tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Tăng thời gian thu phí từ 23 năm lên 31 năm
Tại cuộc họp, tổ công tác Tổng cục Đường bộ đã công bố phương án miễn, giảm đối với trạm T1 như sau: Giảm 100% cho 10 xe đã được Bộ GTVT chấp thuận ngày 29-8-2017, xe buýt, xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú, tổ chức có trụ sở tại khu vực Bình Lập, Thới Trinh thuộc phường Phước Thới, khu vực 12, 15 thuộc phường Châu Văn Liêm (đều thuộc quận Ô Môn). Giảm 50% cho xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú tại phường Phước Thới, Thới Hòa và Châu Văn Liêm (không bao gồm các đối tượng ở bốn khu vực thuộc hai phường nêu trên). Giảm 30% cho xe kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú và tổ chức có trụ sở tại phường Phước Thới, Thới Hòa và Châu Văn Liêm. Tổng số xe mà Sở GTVT TP Cần Thơ đã thống kê là 722 xe.
Phát biểu tại buổi họp, đại diện Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ) cho biết dự án này ban đầu có kế hoạch thu phí trong hơn 23 năm. Sau khi có phương án miễn, giảm như trên thì thời gian thu sẽ kéo dài lên 31 năm. “Đối tượng giảm xem xét ưu tiên theo thứ bậc, trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính chứ nếu giảm sâu hơn nữa, rộng hơn nữa sẽ vượt xa phương án tài chính, phía ngân hàng không chịu vì sẽ thành nợ xấu và hiện nay đã ngấp nghé nợ xấu rồi. Quá trình thực hiện thì đương nhiên không thể công bằng hết được vì đây là thu phí hở” - vị đại diện Vụ Tài chính cho hay.
Đại diện một nhà xe ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại về mức, phạm vi miễn, giảm phí qua trạm T1. Ảnh: NN
Tiếp tục ghi nhận ý kiến người dân
Chuyển qua phần đối thoại, có ý kiến người dân đề nghị nên miễn, giảm 100% cho toàn bộ người dân trên địa bàn quận Ô Môn để tránh sau này sẽ có tình trạng đăng ký kinh doanh ở những phường có miễn, giảm để né việc đóng phí, phát sinh thêm nhiều rắc rối.
Ông Võ Huỳnh Phong, ngụ phường Châu Văn Liêm, cho rằng thời gian qua cánh tài xế đã liên hệ nhiều lần với Sở GTVT để thống kê danh sách xe đề nghị miễn, giảm nhưng chờ quá lâu mà không được thực hiện. Ông Phong đề nghị thực hiện việc miễn, giảm 100% đối với các xe trong bán kính 5 km và thực hiện sớm việc miễn, giảm để người dân yên tâm đi lại, làm ăn, nhất là vào dịp Tết sắp đến.
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam , cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến phản ánh để có báo cáo gửi về Bộ. “Xung quanh việc giảm giá này có hai văn bản. Những xe đã giảm theo văn bản trước (Văn bản 6020) thì đã thực hiện rồi. Sau đó có Văn bản 1519 của Bộ GTVT hướng dẫn và đang thực hiện theo văn bản này nên mong bà con hiểu” - ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho biết Tổng cục Đường bộ và Vụ Đối tác công tư sẽ tính toán để miễn, giảm sớm nhất cho bà con, làm sao đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dân. Những đối tượng được miễn, giảm 100% sẽ được thực hiện ngay sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ GTVT. Những ý kiến vướng mắc sau này của nhà xe thì cứ gửi trực tiếp cho Sở GTVT để tổng hợp, báo cáo về Bộ GTVT.
Trạm T2: Miễn, giảm 50%-100%
Thời gian qua, nhà xe cần phản ánh không biết kêu ai, kéo xe ra trạm thì bị cho là quấy rối, gây mất an ninh trật tự. Tôi đề nghị để giải quyết miễn, giảm cần phân biệt rõ loại xe và tính theo địa giới hành chính hay bán kính xung quanh trạm thu phí... Ông VÕ HUỲNH PHONG, phường Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ |
Cuối giờ chiều 30-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết sẽ không tổ chức lấy ý kiến dân về việc giảm giá BOT ở trạm T2 (quốc lộ 91, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vì phương án miễn, giảm đưa ra đã cơ bản được thống nhất giữa Tổng cục Đường bộ và các địa phương liên quan, chỉ còn chờ thực hiện.
Cụ thể, theo ông Dũng, phương án miễn, giảm đối với trạm T2 như sau: Miễn 100% đối với xe buýt, xe của những hộ dân có hộ khẩu thường trú tại phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên, An Giang), xe phục vụ hành khách công cộng trên các tuyến cố định từ Kiên Giang về An Giang và ngược lại. Giảm 50% cho các xe không thuộc các đối tượng trên (lân cận).
“Phương án này đang được Tổng cục Đường bộ trình Bộ GTVT, khi Bộ thống nhất thì sẽ triển khai. Đối với hai xã, phường thuộc TP Cần Thơ được miễn 100%, theo thống kê ban đầu khoảng 380 xe” - ông Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết đối với việc miễn, giảm phí ở trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp hiện triển khai theo phương án đã công bố thông tin hôm 20-1.
Kiến nghị miễn, giảm trong phạm vi bán kính 10 km trạm BOT Sóc Trăng
Chiều 29-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thống nhất phương án giảm giá trạm BOT Sóc Trăng trên quốc lộ 1 mà không có các nhà báo tham dự. Tại buổi làm việc, theo tạp chí Giao Thông (Bộ GTVT), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết: Công tác phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng và nhà đầu tư trong giải quyết ùn tắc tại trạm BOT Sóc Trăng chưa chặt chẽ. Tình hình tại trạm hiện vẫn chưa hoàn toàn ổn định.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện tình trạng phản ứng của người dân địa phương vẫn còn nhiều bức xúc. Nguyên nhân là việc miễn, giảm giá cho các phương tiện qua trạm chưa tạo sự đồng thuận cao, phạm vi giảm giá còn hẹp. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư cần có những điều chỉnh miễn, giảm phí cho các phương tiện trong phạm vi bán kính 10 km quanh trạm, thay vì 3 km như hiện nay.
Về phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng, cho rằng nếu giảm giá theo đề xuất của địa phương trong bán kính 10 km thì nhà đầu tư sẽ phá sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết với kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng, Bộ GTVT xem xét lại giảm như thế nào, có ảnh hưởng đến phương án ban đầu, ảnh hưởng đến thời gian thu phí không. Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị trong thời gian tới Bộ GTVT, tỉnh Sóc Trăng, nhà đầu tư cần tổ chức đối thoại với chủ các doanh nghiệp vận tải, người dân nhằm tìm ra giải pháp tối ưu trong việc thực hiện miễn, giảm giá.
Pháp luật TPHCM