‘Trạm dừng chân’ mới của nhà sáng lập The Coffee House Nguyễn Hải Ninh
Trước khi đồng sáng lập và trở thành CEO của M Village, tên tuổi của Nguyễn Hải Ninh gắn liền với 2 chuỗi cà phê là Urban Station và The Coffee House.
- 26-05-2022Liên tục cháy hàng, bộ sản phẩm Hi-Tea Healthy của The Coffee House giúp chuỗi cà phê bội thu doanh số
- 26-03-2022M Village – dự án mới của cựu CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh – vừa gọi vốn 1,7 triệu USD dù chưa tròn 1 năm tuổi
- 10-11-2021Starbucks, Trung Nguyên, The Coffee House rời đất vàng: Ai rồi cũng xuống đường bán dạo
M Village có thể là cái tên khá mới trên bản đồ startup. Thế nhưng người sáng lập và CEO của công ty này lại là một gương mặt rất quen thuộc với giới khởi nghiệp Việt Nam. Đó chính là Nguyễn Hải Ninh – đồng sáng lập Urban Station và cựu CEO The Coffee House.
Sau “trạm dừng chân đô thị” (Urban Station) và “ngôi nhà cà phê” (The Coffee House), CEO sinh năm 1987 đang muốn định nghĩa lại “cách sống hạnh phúc” của giới trẻ với M Village.
“M là viết tắt của Modern (hiện đại) hoặc Millennials - những người trẻ sinh ra trong khoảng thời gian từ 1981 đến 1996. Còn gì tuyệt vời hơn cảm giác có một nơi để thuộc về, một cộng đồng với những người cùng chí hướng và văn minh. Tôi muốn xây dựng M Village thành một cộng đồng như thế”, Nguyễn Hải Ninh chia sẻ với Người Đồng Hành về tên startup mới của anh trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5/2021.
Từ “trạm dừng chân đô thị” đến “ngôi nhà cà phê”
Nguyễn Hải Ninh tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM và từng làm tại PepsiCo Việt Nam ở vị trí quản trị viên tập sự. Tuy nhiên, công việc này không giữ chân Hải Ninh được lâu vì anh luôn muốn tạo ra điều gì đó khác biệt.
Năm 2011, Hải Ninh cùng với người bạn của mình là Đinh Nhật Nam đồng sáng lập chuỗi cà phê Urban Station. Khi mới ra đời, Urban Station phát triển theo mô hình rất được ưa chuộng thời điểm đó là “take away” (bán cà phê mang đi). Tuy nhiên, sau một thời gian, những nhà sáng lập quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh, chú trọng việc đầu tư không gian và tạo phong cách riêng. Họ cũng có một bộ phận R&D, thường xuyên cho ra thức uống mới.
Không lâu sau, Urban Station phát triển theo mô hình nhượng quyền với số lượng cửa hàng liên tục tăng lên. Chuỗi cà phê này nhanh chóng trở thành "trạm dừng chân" yêu thích của nhiều người trẻ đô thị khi ấy.
Tên tuổi của Nguyễn Hải Ninh gắn liền với 2 chuỗi cà phê là Urban Station và The Coffee House. |
Thế nhưng khi công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, Nguyễn Hải Ninh quyết định rời Urban Station. Ở tuổi 26, anh bắt đầu một hành trình mới với The Coffee House.
“Tôi mở quán kinh doanh cà phê bắt đầu từ sở thích phục vụ chứ không thích uống cà phê. Chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy khách ra vào quán là tôi vui. Mục tiêu của tôi lúc đó là kinh doanh cái gì thì cũng phải mang lại giá trị cho con người. Vì vậy, khi đã nếm trải thất bại và tích góp được kha khá kinh nghiệm từ Urban Station, tôi muốn tiếp tục thực hiện những điều muốn làm nhưng chưa làm tròn”, Nguyễn Hải Ninh chia sẻ trong một bài phỏng vấn năm 2018.
The Coffee House là nơi Hải Ninh thực hiện ước mơ về “ngôi nhà cà phê” mà anh luôn ấp ủ, với hành trình từ nông trại đến ly cà phê, để chủ động về chất lượng nguyên liệu và cung cấp thực phẩm sạch cho người dùng. Sau nhiều lần tăng quy mô và gọi thêm vốn, The Coffee House đã trở thành một trong những chuỗi cà phê có số lượng cửa hàng lớn nhất tại Việt Nam.
Những thành công của The Coffee House cũng giúp Nguyễn Hải Ninh xây dựng được tên tuổi trong cộng đồng startup Việt. Năm 2016, anh được vinh danh trong Top 30 under 30 Việt Nam và một năm sau tiếp tục có mặt trong danh sách những người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật của Forbes châu Á.
Khép lại hành trình 6 năm và “the next big thing”
Tháng 2 năm ngoái, Nguyễn Hải Ninh khiến nhiều người bất ngờ khi nói lời tạm biệt The Coffee House trên trang cá nhân.
"6 năm cho một hành trình, có buồn có vui có hoan ca có thất bại. Còn đó những ước mơ, những trăn trở lẫn kỳ vọng. Cảm ơn tất cả vì đã làm nên phần đẹp nhất của tuổi thanh xuân của mình. Tạm biệt The Coffee House - The House of Inspiration", nhà sáng lập 35 tuổi viết.
Trước đó, anh đã rời ghế CEO để nhường lại vị trí cho Mai Hoàng Phương, nhà đồng sáng lập của công ty Seedcom.
M Village là "the next big thing" của Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: NVCC |
Sau khi rời The Coffee House, Hải Ninh xuất hiện trong đội ngũ lãnh đạo của Citics - một nền tảng công nghệ bất động sản của Việt Nam. Đến tháng 4/2021, doanh nhân trẻ giới thiệu startup mới của mình trong lĩnh vực lưu trú và căn hộ cho thuê mang tên M Village.
Chia sẻ về công ty, Nguyễn Hải Ninh cho biết ý tưởng về M Village đến với vị CEO này khi anh tìm kiếm “the next big thing” (điều lớn lao tiếp theo) cho cuộc đời mình và từ trước khi nói lời chia tay với The Coffee House. Thực tế, theo đăng ký kinh doanh, M Village được thành lập từ tháng 10/2020 với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng.
Mô hình kinh doanh của M Village là hợp tác với chủ nhà để thiết kế, cải tạo các bất động sản thành cơ sở lưu trú, sau đó cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn lẫn dài hạn kèm các tiện ích làm việc, ăn uống, kết nối cộng đồng.
Theo Nguyễn Hải Ninh, mỗi năm hàng triệu người đổ về các thành phố lớn, trong đó có TP HCM, mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó tạo ra áp lực cho một số vấn đề xã hội, trong đó có chỗ ở.
“Tôi may mắn được đi nhiều nơi, thấy được nhiều điều, đủ để thấy nếu không giải quyết, TP HCM sẽ có thể giống như Hong Kong, nơi những căn hộ xếp chồng lên nhau. Sau The Coffee House, tôi muốn xây dựng một doanh nghiệp giải quyết nhu cầu của xã hội. Nếu làm tốt startup này, tôi có thể mang lại nhiều giá trị hơn. Đây cũng là cơ hội để thử thách bản thân mình”, Hải Ninh nói với Người Đồng Hành về lý do chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực lưu trú.
Giấc mơ xây dựng “Uber, Grab trong lĩnh vực lưu trú”
Nhà sáng lập M Village cho rằng những người trẻ ngày nay không chỉ đơn thuần muốn một nơi chỉ để ngủ qua đêm mà còn mong muốn trở thành một phần của cộng đồng văn minh. Đó là cũng là điều startup này hướng đến và về lâu dài anh muốn xây dựng M Village thành Uber, Grab của lĩnh vực lưu trú.
“Thực ra, tôi có thể làm những việc kiếm ra nhiều tiền hơn, thu lãi nhanh hơn nhưng sau tất cả tôi chưa bao giờ thấy kiếm tiền là mục đích của cuộc đời mình. Tôi muốn được làm những điều mình thích và thấy ý nghĩa. Xây dựng một cộng đồng cho người trẻ, góp phần dù nhỏ giải quyết một nhu cầu của xã hội là một việc như thế”, Hải Ninh bộc bạch.
M Village thành Uber, Grab của lĩnh vực lưu trú. Ảnh: M Village |
Theo Nguyễn Hải Ninh, từ kinh doanh chuỗi cà phê chuyển sang dịch vụ cho thuê – lưu trú, nhìn bên ngoài có vẻ rất khác nhau nhưng “đó đều là những ngành làm về dịch vụ, phục vụ con người. Khi tôi làm những thứ liên quan đến con người thì đều rất vui”.
Tháng 3 năm nay, M Village công bố huy động được 1,7 triệu USD trong vòng hạt giống, dẫn đầu bởi Simple Tech Investment (STI). Ngoài ra, vòng gọi vốn này có hai tổ chức nước ngoài là Vulpes Ventures (Singapore), Genesia Ventures (Nhật Bản) và một số nhà đầu tư thiên thần.
Tính đến thời điểm công bố vòng hạt giống, M Village có 5 cơ sở đang vận hành và 11 cơ sở chuẩn bị hoạt động tại TP HCM với số lượng khoảng 300 phòng. Mục tiêu đến cuối năm nay công ty sẽ dẫn đầu khu vực này về số lượng phòng cho thuê với khoảng 1.000. Sau đó, M Village tiếp tục gọi thêm vốn để mở rộng hệ thống ra những thành phố lớn và thành phố du lịch với mục tiêu dẫn đầu thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê trong hai năm tới.
“Ngày ấy – Bây giờ” là series bài viết kể về hành trình phát triển sự nghiệp của những nhân vật nổi bật trong giới kinh doanh, khởi nghiệp và công nghệ tại Việt Nam. Những câu chuyện cùng chủ đề sẽ được đăng tải trên NDH.VN vào sáng thứ 7 hàng tuần.
Người đồng hành