MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trạm trưởng y tế ở TP HCM: 8 người quản 78.000 hộ dân, lương 7,5 triệu thì sống thế nào?

18-11-2021 - 08:41 AM | Xã hội

Ảnh minh họa: HCDC

Ảnh minh họa: HCDC

"Lúc dịch căng thẳng nhất, đêm nào tôi cũng nằm xuống trong chập chờn vì sợ bệnh nhân gọi. Tuy nhiên, thu nhập của tôi vài năm mới tăng được 200-300.000 đồng", anh Chí Trung nói.

Về nhà không dám nựng con

Mỗi ngày, điện thoại anh Nguyễn Chí Trung (Trưởng trạm y tế phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) nhận được khoảng 40-50 cuộc gọi từ người dân địa phương, những ngày cao điểm có thể lên đến 100-120 cuộc gọi.

Khu vực phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 hiện có 78.000 hộ dân. Tuy nhiên, số nhân viên y tế tại trạm chỉ còn 8 người. Trong thời gian qua, số ca mắc Covid-19 mới tại TP.HCM có xu hướng tăng dần. Những địa phương có số ca tăng cao nhất là huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, TP Thủ Đức và quận 12.

Anh Trung cho biết: "Tôi tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch rồi về trạm làm. Tính đến nay, mức lương của tôi là 7,5 triệu, có tháng gần 8 triệu. Đây là mức thu nhập quá thấp so với khối lượng công việc ở đây.

Trạm trưởng y tế ở TP HCM: 8 người quản 78.000 hộ dân, lương 7,5 triệu thì sống thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh: HCDC

Mỗi ngày, chúng tôi phải trực điện thoại 24/24, làm việc từ 7 giờ đến 8 giờ tối mới có thể nghỉ ngơi, tắm rửa. Bất kỳ khi nào có người dân đến, nhân viên y tế phải túc trực. Khi thì đi lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, lúc lại hỗ trợ F0 trong khu vực... Có đêm đang nằm chập chờn, bệnh nhân gọi mình vẫn phải đi. Tuy nhiên, thu nhập của tôi vài năm mới tăng được 200-300.000 đồng".

Thời gian gần đây, khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng lên, khối lượng công việc tại trạm cũng thay đổi, khiến anh Trung không có thời gian cho gia đình.

"Vợ tôi làm cùng ngành Y. Vì thế, hai vợ chồng gửi con cho nội ngoại để tiện làm việc. Lương tôi thì không bao nhiêu, vợ giúp tôi quản lý. Lâu lâu, tôi mới được về nhà một lần nhưng chẳng dám nựng hay ôm con, chỉ đứng từ xa nhìn chúng. Mỗi ngày mình đều tiếp xúc với F0 thì làm sao có thể "ẩu" với con được", anh Trung nói.

Không nhớ hết số lần muốn bỏ việc

Trước đó, anh Trung từng đề nghị tăng lương nhưng mọi việc vẫn không thay đổi. Theo anh Trung, bạn bè anh ở các trạm quận Gò Vấp, quận Bình Tân, tỉnh Long An... cũng đang rơi vào tình trạng tương tự nhưng chưa được tháo gỡ.

"Tôi không nhớ hết được số lần mình muốn bỏ việc, nhưng rồi lại thôi. Tôi cố gắng nghĩ "thoáng" ra rằng dù sao mình cũng được gia đình hỗ trợ chuyện con cái, có nhiều người còn khổ hơn tôi nữa kìa. Tuy nhiên, với mức lương và công việc như thế, tôi rất nản", anh Trung nói.

Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, áp lực càng tăng. Không ít lần, nhân viên tại trạm y tế bị người dân "phản ứng" lại.

Anh chia sẻ: "Người ta bệnh nên khó chịu, có khi nói nặng nói nhẹ, lớn tiếng với nhân viên y tế. Thậm chí, những vấn đề không liên quan tới chúng tôi như gói an sinh xã hội họ cũng khó chịu".

Hiện tại, ở TP.HCM, quận 12 đang là địa phương có số ca bệnh cách ly tại nhà cao nhất với khoảng 10.000 ca. Riêng khu vực phường Tân Chánh Hiệp nơi anh Trung công tác hiện đang có 1.500 F0 được chăm sóc tại nhà.

Sở Y tế TP.HCM đã bổ sung thêm 20 trạm y tế lưu động cho địa phương này, do các bệnh viện Da liễu, Mắt, Bình Dân, Y học cổ truyền...

Trước đó, trong buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM về công tác y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Đợt dịch vừa qua, mỗi ngày tôi đều ký 1 tập đơn xin nghỉ việc của nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện".

Theo ông Thượng, để giữ chân nhân viên y tế, Sở cần có chính sách hỗ trợ bằng tiền để đáp lại những vất vả, khó khăn của họ. Cụ thể, vị lãnh đạo này đã đề xuất mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, trình độ Đại học, y sĩ hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, trình độ Cao đẳng 3 triệu đồng/tháng.


Theo Lan Chi

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên