MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trần 6 phiên liên tiếp từ ngày giao dịch trở lại, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch doanh thu tăng 15% lên 113 tỷ đồng

20-06-2018 - 07:38 AM | Doanh nghiệp

Không chỉ giao dịch khả quan, mới đây Bông Bạch Tuyết cũng vừa công bố kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 113 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017.

Sau 9 năm rời sàn, Sở GDCK Hà Nội vừa chính thức chấp thuận cho CTCP Bông Bạch Tuyết được đăng ký giao dịch 6,84 triệu cổ phiếu trên UpCOM với mã chứng khoán BBT. Ngày giao dịch đầu tiên 12/6/2018, giá tham chiếu 2.300 đồng/cp. 6 phiên sau đó, cổ phiếu BBT tăng trần liên tiếp bất chấp 2 phiên gần đây thị trường giảm mạnh, hiện chốt phiên giao dịch 19/6 tại mức 6.200 đồng/cp.

Trần 6 phiên liên tiếp từ ngày giao dịch trở lại, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch doanh thu tăng 15% lên 113 tỷ đồng - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu BBT 6 phiên gần đây.

Không chỉ giao dịch khả quan, mới đây Bông Bạch Tuyết cũng vừa công bố kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 113 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017. Song, chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm 10% do hết được chuyển lỗ nên phải đóng thuế 20% theo đúng thuế suất quy định. Được biết, nắm 2018 được xác định là năm Bông Bạch Tuyết tập trung cho sản xuất các sản phẩm phục vụ chăm sóc cá nhân ở 2 khu vực tiêu dùng thiết yếu và y tế.

Một điểm đáng chú ý khác, trước đó ngày 23/6/2017, HĐQT đã ban hành Nghị quyết triển khai phát hành cổ phần tăng vốn từ 68,4 tỷ lên 98 tỷ đồng. Ban điều hành đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thực hiện thủ tục đăng ký phát hành, đã gửi lên UBCKNN xem xét. Đến nay, kế hoạch này vẫn chờ ý kiến từ UBCKNN.

Bông Bạch Tuyết đã tỉnh giấc?

Là doanh nghiệp có tiếng trong ngành sản xuất bông băng vệ sinh, y tế thập niên về trước, Bông Bạch Tuyết còn tiên phong góp mặt trên thị trường chứng khoán. Công ty là một trong những đàn anh đàn chị khi sớm niêm yết trên sàn HoSE ngày từ đầu năm 2004. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết bắt đầu xuống dốc từ sau khi niêm yết, nội bộ Công ty xảy ra nhiều xung đột, hoạt động sản xuất không hiệu quả.

Được biết, nguyên nhân suy giảm do nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất Bông Bạch Tuyết tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng. Kết quả là năm 2006, Bông Bạch Tuyết lỗ 8,5 tỷ đồng và năm 2007 lỗ tiếp 6,8 tỷ đồng. Liên tục thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đã buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 7/2008, còn cổ phiếu hủy niêm yết từ tháng 8/2009. Thậm chí tháng 10/2008 UBND Tp.HCM đã gửi công văn đến Thanh tra Cục thuế Tp về việc kiểm tra quyết toán thuế từ năm 2005 đến năm 2007 và công văn đến Chánh Thanh tra Tp về việc thanh tra toàn diện Công ty.

Trần 6 phiên liên tiếp từ ngày giao dịch trở lại, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch doanh thu tăng 15% lên 113 tỷ đồng - Ảnh 2.

Chuyển hướng kinh doanh, có nhân tố mới trong cơ cấu cổ đông

Nhận biết được khó khăn về dòng vốn do đẩy mạnh mua sắm tài sản và đầu tư, Bông Bạch Tuyết đã có biện pháp khắc phục sai lầm này. Bằng chứng là Công ty đã tập trung trở lại vào ngành hàng bông băng y tế, tạm dừng cuộc đua vào thị trường băng vệ sinh khốc liệt với các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Kotex, Diana, Laurier, Whisper… Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Bông Bạch Tuyết còn phát triển thêm các sản phẩm phục vụ sắc đẹp của phái nữ như bông tẩy trang Merilynn, khẩu trang Meriday...

Cùng với điểm mạnh về hệ thống phân phối, Công ty đã ghi nhận kết quả ban đầu, chi trả được một phần nợ gốc cho các chủ nợ như MaritimeBank, Bibica, MBBank... đồng thời tiếp tục đàm phán để tái cấu trúc các khoản nợ còn lại.

Kết quả là Công ty đã chuyển lỗ thành lãi từ năm 2015. Kết thúc năm 2017, Bạch Tuyết ghi nhận sản lượng sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 573 tấn và 580 tấn, doanh thu tương ứng đạt hơn 98 tỷ, đồng thuận tăng so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 14 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 14,21 tỷ đồng.

Trần 6 phiên liên tiếp từ ngày giao dịch trở lại, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch doanh thu tăng 15% lên 113 tỷ đồng - Ảnh 3.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2017, Bông Bạch Tuyết còn lỗ lũy kế 61,9 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/tài sản còn ở mức 84,06%, Ban kiểm soát công ty đánh giá tỷ lệ này vẫn còn rất cao và bất bình thường nhưng đã được cải thiện tích cực qua các năm.

Nhân tố mới 

Một điều đáng chú ý khác, cơ cấu cổ đông Bông Bạch Tuyết xuất hiện một nhân tố mới - CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế) - khi đơn vị này trước đó đã đồng ý mua toàn bộ 2,88 triệu cổ phiếu BBT phát hành thêm với giá 10.000 đồng. Trong khi cổ đông lớn là Dệt may Gia Định từ chối không mua vì cho rằng mức giá quá cao. Như vậy, sau thương vụ này, Unimex Huế sẽ sở hữu đến 29% cổ phần, chính thức vượt qua Dệt may Gia Định để trở thành cổ đông lớn nhất của Bông Bạch Tuyết.

Về Unimex Huế, tiền thân là Công ty Ngoại thương Thừa Thiên Huế, được thành lập từ năm 1976. Dòng sản phẩm chủ lực là thêu tay, may áo Kimono... Bên cạnh hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, Công ty tham gia hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác đầu tư vào lĩnh vực đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, xây dựng. Năm 2016, doanh thu của Unimex Huế là 130 tỷ với lợi nhuận ròng 46 tỷ đồng, đưa EPS lên mức khá cao gần 5.000 đồng/cp. Đáng chú ý, trong danh sách các cổ đông chiến lược của Unimex Huế có một loạt tên tuổi lớn như CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), CTCP Quốc tế Phong Phú và đối tác chuyên kinh doanh bất động sản Thuduc House.  

Như vậy, việc bỏ ra số tiền lớn để mua lại Bông Bạch Tuyết khiến nhiều người đặt câu hỏi vào đơn vị này: Liệu Bông Bạch Tuyết sẽ trở lại đà tăng trưởng? Hiện tại Bông Bạch Tuyết vẫn chưa tiến hành tăng vốn thành công.  

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên