Trang Hạ: "Đàn ông cưới vợ hai lần vẫn đòi trinh tiết nhưng phụ nữ nhất quyết không nên xem bản thân là tờ giấy dùng một lần!"
“Công - Dung - Ngôn - Hạnh là sản phẩm truyền thông của đàn ông, vì sao lại để cho những từ đó trói buộc phụ nữ suốt hàng nghìn năm qua?”, nhà văn Trang Hạ nhận xét.
Xuất hiện ở Women’s Summit 2017, nhà văn Trang Hạ lại tiếp tục gây “sốt” cho thính giả bởi những nhận xét về phụ nữ. Khi được hỏi bạn đánh giá thế nào về vai trò của Công – Dung – Ngôn – Hạnh đối với phụ nữ thế kỷ 21, Trang Hạ đã nhanh chóng khẳng định nó vốn chỉ là sản phẩm truyền thông của một người đàn ông. Bản chất của nó chính là sợi dây trói buộc sự tự do của phụ nữ trong suốt hàng nghìn năm qua.
“Tại sao chúng ta lại để những thứ có từ hàng nghìn năm trước quyết định giá trị của mình? Vai trò của phụ nữ hiện đại là tái định nghĩa tất cả những giá trị trong cuộc đời bạn. Nó cần bạn nung nấu thách thức được cống hiến cho xã hội”, Trang Hạ nói.
Theo lý giải của Trang Hạ, đối với chữ “Dung”, nếu người khác vẫn xem tướng mặt bạn để chọn vợ vượng phu ích tử, thì bạn dứt khoát hàng ngày cũng nên soi gương, để biết mình đang trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình.
Hay ở chữ “Hạnh”, nếu người đàn ông có lấy vợ tới lần thứ hai cũng vẫn có người cần vợ còn trinh, thì phụ nữ ngược lại, càng không nên tự coi bản thân là tờ giấy trắng chỉ có giá trị dùng một lần, mà bạn đang sống để mỗi ngày nâng cao mệnh giá của bản thân mình.
“Phụ nữ cần định nghĩa lại phụ nữ”, Trang Hạ nói tiếp.
Chia sẻ thêm về công việc, Trang Hạ cho biết, xuyên suốt, nhất quán trong 500 bài báo cũng như tuyến truyền thông mà cô đã làm, đó là tinh thần bảo vệ, nâng cao các giá trị nữ quyền nhằm thúc đẩy cho xã hội chuyển động nhanh hơn.
“Nó đơn giản là bạn chịu hạnh phúc của chính mình, trở thành một người phụ nữ độc lập về tài chính, quan điểm sống và độc lập về tình cảm để không bị lệ thuộc vào bất cứ ai. Bạn cần phải định nghĩa lại cuộc sống bằng chính những giá trị bạn vốn có”, Trang Hạ nhấn mạnh.
Trang Hạ cho biết, cô không cần những cái bấm “like” vào bài viết, cái cô muốn chính là chiếm lĩnh lấy tâm trí người đọc. Bởi lẽ, những thứ mà người ta đang kêu gọi ở đàn ông và phụ nữ về bình đẳng, về tự yêu thương bản thân, trân trọng nửa kia... sẽ không bao giờ xảy ra, “hàng triệu người đã làm rồi, tôi muốn làm khác”, cô nói.
Vì vậy, Trang Hạ lựa chọn cách chiếm lĩnh tâm trí người đọc, tạo ra những cuộc tranh cãi, những cuộc đụng độ về quan đểm. Vì khi tranh cãi, người ta đã tự giáo dục lẫn nhau.
“Tôi không tạo ra sức mạnh hay dạy dỗ gì ai, chính bản thân bạn đang tranh cãi với cái tôi, cũ và mới. Trong những cuộc xung đột quan điểm nhiều năm qua, phần thua luôn thuộc về Trang Hạ”, cô giãi bày.
Trang Hạ cho rằng chiến thắng đã thuộc về cộng đồng. Đấy là khi có nhiều phụ nữ đã dám lên tiếng, đã bước ra khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, đầy ràng buộc để có thể sống đúng với bản thân, làm điều mình muốn làm, được nhìn nhận bởi giá trị mà người đó mong muốn.
“Nữ quyền chính là làm cho xã hội đẹp hơn. Nói cách khác, nữ quyền chính là nhấc bớt gánh nặng trên vai những người đàn ông!”, Trang Hạ nói.