MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi chuyện giao dịch bất động sản thông qua sàn: Nên hay không?

18-11-2021 - 08:46 AM | Bất động sản

Tranh cãi chuyện giao dịch bất động sản thông qua sàn: Nên hay không?

Câu chuyện giao dịch BĐS thông qua sàn hay không, đang gây tranh cãi thời gian gần đây. Mỗi bên một quan điểm khiến vấn đề này chưa có hồi kết…

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo đề cương luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua,cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua các sàn giao dịch bất động sản. Quy định này gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu cho rằng, theo dự thảo Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án BĐS phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch là không phù hợp với các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng theo pháp luật về dân sự, về đầu tư, về thương mại, xâm phạm quyền tự chủ kinh doanh của chủ đầu tư. Hơn nữa, quy định trong dự thảo luật như vậy tạo cho các sàn "đắc lợi", "tay không bắt giặc" khi không bỏ vốn đầu tư nhưng lại được đặc quyền bán 80% sản phẩm của dự án.

Điều này theo ông Châu là không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật; không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật.

"Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật", ông Châu nói.

Nếu sàn giao dịch bất động sản có uy tín, năng lực và cung cấp dịch vụ tốt với giá cả hợp lý thì sẽ được bên cung hoặc bên cầu lựa chọn thuê để thực hiện dịch vụ theo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận, bình đẳng của pháp luật về dân sự và việc trả phí dịch vụ cũng là tự nguyện, tự thỏa thuận theo nhu cầu của các bên. Do vậy, không thể quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản.

Tranh cãi chuyện giao dịch bất động sản thông qua sàn: Nên hay không? - Ảnh 1.

Luật Kinh doanh BĐS 2006 từng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS. Vì vậy, giai đoạn thị trường BĐS tăng nhiệt, sàn BĐS mở ra "như nấm sau mưa" đã làm lũng đoạn thị trường, làm cho giá thị trường tăng ảo, người mua nhà không tiếp cận được với giá thật. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp.

Luật Kinh doanh BĐS 2014 ra đời đã "bãi bỏ" quy định giao dịch BĐS qua sàn. Thế nhưng, trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi mới đây, Bộ Xây dựng lại đưa ra quy định bắt buộc mua bán BĐS phải qua sàn giao dịch.

Theo Bộ Xây dựng, việc bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua các sàn giao dịch (theo luật Kinh doanh bất động sản 2006) đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: tạo cơ sở cho việc hình thành nên các dự án ma, các vụ việc lừa đảo khách hàng từ chính các chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật; tạo ra khó khăn, thậm chí không quản lý được thông tin về thị trường bất động sản đúng với những gì đang diễn ra, trốn thuế…

Còn theo đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững, thì việc giao dịch bất động sản qua sàn là bắt buộc và cần thiết. Khi đó, mọi thông tin của bên bán – chủ đầu tư sẽ được các sàn giao dịch thẩm định, kiểm tra sơ bộ căn nhà đó, lô đất đó, dự án đó có đầy đủ pháp lý không, giá cả phù hợp không.... sau đó các sàn niêm yết, công khai, minh bạch truyền tải thông tin đến người mua. Còn đối với người mua, thông qua các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp giúp họ lựa chọn được sản phẩm phù hợp, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cho họ.

Nhưng cần xây dựng lại quy định thành lập sàn giao dịch bất động sản, phải đủ quy mô về diện tích, đủ điều kiện về cơ sở vật chất , năng lực tài chính. Toàn bộ nhân viên sàn giao dịch bất động sản có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản

Quy đinh hàng tháng, hàng quý các sàn giao dịch phải báo cáo giao dịch cho cơ quan quản lý nhà nước (Sở Xây dựng), Hội môi giới bất động sản... Và ngược lại Sở xây dựng các tỉnh thành có thể kết hợp với Hội môi giới bất động sản luôn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các sàn giao dịch bất động sản, để xử lý những sai phạm ( nếu có). Khi đó sẽ hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, cho khách hàng, tạo nên một thị trường minh bạch

"Do đó để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, có tính ổn định và phát triển bền vững, tôi thiết nghĩ luật kinh doanh bất động sản nên quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch. Để tránh tình trạng những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động không lành mạnh, đưa thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, khách hàng cũnng như ảnh hưởng đến thị trường bất động sản", đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên