MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi chuyện "Học ngành gì để kiếm được công việc với mức lương khởi điểm 2000 USD/tháng": Tư duy sai lệch về mục tiêu đi học và tìm kiếm việc làm?

16-10-2021 - 11:33 AM | Sống

Tranh cãi chuyện "Học ngành gì để kiếm được công việc với mức lương khởi điểm 2000 USD/tháng": Tư duy sai lệch về mục tiêu đi học và tìm kiếm việc làm?

Nếu có người nói với các bạn sinh viên rằng: “Bạn muốn kiếm tiền nhanh chóng, đừng chọn những ngành “hot trend”, hãy chọn những ngành ít người theo nhưng phù hợp với năng lực và sở thích của mình”, liệu các bạn trẻ ấy có chịu nghe theo không?

Một trong những chủ đề được bàn tán rôm rả trong những ngày này, đó chính là việc nên học ngành gì để có thể có được mức lương khởi điểm 2000 USD /tháng. Khởi nguồn từ câu hỏi của một bạn sinh viên, đã có rất nhiều luồng ý kiến, những chia sẻ và cả quan điểm của người trẻ về vấn đề này.

Anh Huỳnh Chí Viễn, giáo viên và tác giả cuốn sách "Có một nước Mỹ rất khác" cho rằng: Câu hỏi này phản ánh một tư duy sai lệch của rất nhiều bạn trẻ hiện nay về mục tiêu đi học và tìm kiếm việc làm, bởi những lý do sau đây:

Trước hết, đây là một suy nghĩ khá non nớt của hầu hết những bạn thiếu hiểu biết về tình hình chung của đất nước lẫn khu vực: Xét về bình diện chung ở các quốc gia Đông Nam Á, không nơi nào có những công ty trả cho bạn lương khởi nghiệp từ 2000 USD trở lên trừ khi bạn tốt nghiệp loại giỏi những ngành đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, ít người làm và độ rủi ro cũng sẽ là rất cao.

Tôi có những người bạn làm dầu khí lương 4000-5000 USD/tháng nhưng đổi lại họ phải làm việc ngoài giàn khoan giữa biển khơi sáu tháng một năm gần như cô lập một mình. Và đã có hai người ra đi mãi mãi vì tai nạn nghề nghiệp. Còn nếu làm công việc văn phòng thì việc khởi điểm lương 2000 USD là chuyện không tưởng cho một người mới ra trường, chuyên môn dừng lại ở mức độ lý thuyết trong SGK và chưa có một kinh nghiệm thực tế nào.

Tranh cãi chuyện Học ngành gì để kiếm được công việc với mức lương khởi điểm 2000 USD/tháng: Tư duy sai lệch về mục tiêu đi học và tìm kiếm việc làm? - Ảnh 1.

Còn nếu làm công việc văn phòng thì việc khởi điểm lương 2000 USD là chuyện không tưởng cho một người mới ra trường, chuyên môn dừng lại ở mức độ lý thuyết trong SGK và chưa có một kinh nghiệm thực tế nào.

Thứ hai, có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ tìm việc làm với tâm lý thích lánh nặng tìm nhẹ: Đi làm muốn lương thật cao nhưng ngược lại, lại thích những việc thật nhàn hạ, không có nhiều thử thách. Nhiều bạn tìm đến tôi hỏi cách học tiếng Anh làm sao cho có thể nhanh chóng trở thành giáo viên dạy Anh Văn không phải vì lòng yêu nghề mà cũng vì một suy nghĩ: Dạy tiếng Anh là nghề "ngồi mát ăn bát vàng", vừa kiếm được nhiều tiền, vừa không phải cực thân vừa được người ta tôn trọng.

Với ảo tưởng một giáo viên Anh Văn có thể kiếm vài chục triệu một tháng, nhiều bạn trẻ "ba không": Không có năng khiếu tiếng Anh, không năng khiếu sư phạm, không yêu nghề đã chọn cách bỏ công việc hiện tại của mình để học một vài khóa tiếng Anh cấp tốc với hy vọng làm giàu nhanh chóng bằng việc đi dạy tiếng Anh. Họ không hiểu một điều cơ bản là bất cứ nghề nào cũng có gian khổ và thử thách riêng và để thành công trong một lĩnh vực, cần rất nhiều tâm huyết. Để đạt được một chỗ đứng trong nghề về cả tiếng lẫn miếng bạn cần có rất nhiều cọ xát va chạm, và học hỏi kinh nghiệm và thời gian để học hỏi. Dĩ nhiên trên con đường dẫn đến thành công đó bên cạnh mồ hôi không thể thiếu những giọt nước mắt tủi nhục của thất bại.

Nếu có người nói với các bạn sinh viên rằng: "Nếu bạn muốn kiếm tiền nhanh chóng, đừng chọn những ngành "hot trend" mà hãy chọn những ngành ít người theo nhưng phù hợp với năng lực và sở thích của mình", liệu các bạn trẻ ấy có chịu nghe theo không? Tiếc là với suy nghĩ đơn giản và do ảnh hưởng của tâm lý đám đông, họ sẽ chọn một ngành học nào hiện đang là ngành học hot nhất để thi vào bất chấp thực lực của mình với hy vọng khi ra trường sẽ nhanh chóng kiếm được việc làm như ý mà quên một chân lý rằng: con đường càng nhiều người đi lại càng ít cơ hội dẫn đến thành công.

Điều này không có gì khó hiểu. Khi có quá nhiều người cùng chen chân vào, chỉ có những người thực sự tài giỏi mới trụ lại được, còn những kẻ yếu thì sẽ mãi mãi không có cơ hội cạnh tranh. Nếu bạn không thực sự giỏi, sẽ không bao giờ tới lượt bạn được nhà tuyển dụng để mắt tới. Vì thế việc thất nghiệp hàng loạt là khó tránh khỏi.

Tranh cãi chuyện Học ngành gì để kiếm được công việc với mức lương khởi điểm 2000 USD/tháng: Tư duy sai lệch về mục tiêu đi học và tìm kiếm việc làm? - Ảnh 2.

Ở tuổi mới ra trường, những điều quan trọng bạn cần là niềm đam mê đối với công việc, khao khát được học hỏi để hoàn thiện bản thân mình về mặt chuyên môn và đóng góp cho xã hội.

Nếu bạn muốn học cao để kiếm tiền, bạn đã hiểu sai mục đích của việc học

Gần như 100% các bạn sinh viên ngày nay đều hiểu sai mục đích của việc lựa chọn học đại học của mình. Các bạn học vì tiền chứ không phải vì kiến thức hay cống hiến. Các bạn trẻ học thạc sĩ hiện nay phần lớn cũng chỉ vì muốn lấy cái bằng thạc sĩ để thăng tiến nhanh hơn chứ không phải vì lòng yêu nghề và ý thức ham học hỏi.

Chính cái suy nghĩ sai lầm: đầu tư cho con cái học thật nhiều để sau này nó kiếm được càng nhiều tiền hơn này đã khiến rất nhiều gia đình ép con mình học đủ thứ từ khi còn bé chỉ để vào một trường đại học nào đó. Trong một xã hội nếu ai cũng chỉ chăm chăm trục lợi cho bản thân mình mà không nghĩ đến việc đóng góp và xây dựng thì xã hội đó chỉ có thể ngày một đi xuống, đất nước chỉ có thể ngày càng lạc hậu mà thôi.

Còn nếu bạn thực sự muốn làm giàu, hãy nhớ rằng có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp chân chính cho bạn có thể có thu nhập cao chứ không nhất thiết phải đi học đại học. Một nông dân chăm chỉ và sáng tạo vẫn có thể trở thành triệu phú, hay một thợ sửa xe yêu nghề, chịu khó sau vài năm làm việc vẫn có thể mở được tiệm sửa xe mà không cần đến bằng đại học. Nhưng những cách thành công này không hề có sự nhàn hạ thoải mái mà phải đổi lấy bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt và cũng không có địa vị cao trong xã hội. Cái nào cũng có cái giá của nó.

Nên nhớ, ở tuổi mới ra trường, những điều quan trọng bạn cần là niềm đam mê đối với công việc, khao khát được học hỏi để hoàn thiện bản thân mình về mặt chuyên môn và đóng góp cho xã hội chứ không phải là thật nhiều tiền hoặc là địa vị cao. Việc học tập có ý nghĩa to lớn hơn chữ "tiền" rất nhiều. Nếu không hiểu được điều này mà chỉ học vì tiền, bạn sẽ không bao giờ thành công được.

Nếu có thể khuyên các bạn trẻ đang lựa chọn công việc tương lai của mình, tôi sẽ khuyên các bạn đừng đặt nặng quá vấn đề tiền bạc hay thành công về mặt vật chất. Hãy yêu quý công việc các bạn làm, tận dụng mọi cơ hội để học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn và hãy chịu cực xông xáo một chút. Một khi bạn làm việc bằng cái tâm của mình, thành công sẽ đến với bạn. Hãy nhớ rằng:

1. Không có việc gì dễ dàng lúc đầu đặc biệt là đối với những người thích lánh nặng tìm nhẹ. Nếu bạn chịu cực lúc đầu, công việc sẽ dễ dàng cho bạn về sau. Ngược lại, nếu bạn luôn tìm cách tránh né mọi thử thách khó khăn khi còn trẻ, bạn sẽ tụt hậu khi lớn tuổi. Lúc đó bạn mới nghĩ đến chuyện vươn lên thì đã tuổi tác và cơ hội không còn chờ đợi bạn nữa.

2. Hãy chọn một công việc mình có khả năng và đam mê với nó. Đừng đi theo những trào lưu nếu mình thực sự không có năng khiếu và không yêu thích nó.

3. Thay vì nghĩ đến việc kiếm được nhiều tiền bước đầu ra đi làm, hãy nghĩ đến việc làm thật tốt công việc của mình và tận dụng thời gian để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm thật nhiều.

4. Đặt cái tâm vào việc mình làm dù đó là việc nhỏ nhất. Người khác đánh giá bạn trong công việc không qua bằng cấp mà qua thái độ làm việc của bạn và sự cầu tiến.

5. Đừng đứng núi này trông núi nọ. Nếu bạn thất bại vì chưa cố gắng hết sức ở một việc nào đó mà đã vội vàng bỏ cuộc, cứ yên tâm là việc tiếp theo và việc tiếp theo nữa cũng sẽ là như thế.

6. Nếu đã học lên tới Thạc sĩ và Tiến sĩ, đừng quên việc nghiên cứu. Đó mới là chức năng của học vị của bạn. Còn không thì cứ lao ra kiếm tiền bằng sức lao động chân chính, đừng lợi dụng học vị để kiếm chác và không có cống hiến.

7. Đồng tiền bạn kiếm được chỉ có giá trị khi nó tỷ lệ thuận với những đóng góp của bạn cho xã hội. Đừng bao giờ nuôi dưỡng trong đầu suy nghĩ sai lệch kiếm tiền bằng mọi cách mà bất chấp thủ đoạn và bỏ quên lương tâm của mình.

Huỳnh Chí Viễn là một cựu du học sinh, hiện là Giám đốc trung tâm Anh Ngữ BHV English. Vào năm 2017, anh xuất bản cuốn sách "Có một nước Mỹ rất khác" để kể về quãng thời gian nhiều thăng trầm của anh khi còn là du học sinh trên đất Mỹ. Những bài viết về vấn đề giáo dục, đặc biệt về quan điểm, lối sống của giới trẻ hiện nay trên trang cá nhân của anh nhận được nhiều sự đồng tình và yêu thích.

Theo Hạ Uyên

Nhịp sống Việt

Trở lên trên