MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi dữ dội vụ việc em dâu 10 năm trước vay vàng, 10 năm sau lại muốn trả tiền: Giải quyết thế nào cho hợp lý?

24-04-2024 - 21:05 PM | Sống

Tranh cãi dữ dội vụ việc em dâu 10 năm trước vay vàng, 10 năm sau lại muốn trả tiền: Giải quyết thế nào cho hợp lý?

Vay vàng nhưng lại muốn trả tiền theo mức giá của 10 năm trước, người phụ nữ này đang gây tranh cãi dữ dội trong nhiều hội nhóm Facebook.

Trong thời gian gần đây, sự biến động không ngừng của giá vàng đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Khi việc vay và cho vay vàng trở thành một phần trong đời sống, xuất hiện nhiều tình huống phức tạp mà người dân gặp phải, đôi khi khiến họ khó lòng phân định rõ ràng giữa đúng và sai.

Một trường hợp gần đây đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Một phụ nữ đã đăng tải trên mạng xã hội với câu hỏi liệu vợ chồng cô muốn "vay vàng trả tiền" có hợp lý hay không.

Bài đăng cụ thể như sau: "Năm 2010, mình vay của anh chị chồng 10 cây vàng (giá vàng khi đó là 36 triệu đồng/lượng). Khi vay, anh chị có nói tính tiền ra là 360 triệu đồng và bảo vợ chồng mình mỗi tháng trả lãi cho anh chị 2 triệu đồng, còn gốc khi nào có thì trả. Vợ chồng mình trả lãi đầy đủ hàng tháng.

Đầu tháng 4 này, vợ chồng mình bán được miếng đất nên gom tiền trả anh chị chồng, thì anh chị lại đòi phải trả 10 cây vàng. Giờ vợ chồng mình muốn trả tiền, còn anh chị đòi vàng. Mong cả nhà tư vấn giúp mình để anh chị đồng ý nhận tiền chứ giờ đòi vàng giá cao quá, mình trả không nổi. Bữa giờ, hai nhà cãi nhau rất căng, anh chị luôn miệng nói vợ chồng mình ‘ăn cháo đá bát’, không biết điều."

Bài viết này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của hàng nghìn cư dân mạng, cùng rất nhiều bình luận, trong đó có nhiều ý kiến đa chiều.

Tranh cãi dữ dội vụ việc em dâu 10 năm trước vay vàng, 10 năm sau lại muốn trả tiền: Giải quyết thế nào cho hợp lý?- Ảnh 1.

Một số người cho rằng, dù số vàng vay ban đầu là 10 cây, nhưng do thời điểm vay, giá vàng đã được chuyển đổi thành tiền để tính lãi suất, vì vậy theo họ, người vay chỉ cần trả tiền mà không cần phải trả vàng.

"Theo như trình độ đọc hiểu của mình thì khi vay là vay vàng, nhưng anh chị đã quy ra tiền để lấy lãi 2 triệu đồng/tháng. Đây là lãi suất tiền gửi rồi chứ có ai đi vay vàng mà trả lãi suất cao như vậy. Còn nếu không trả lãi 2 triệu đồng/tháng thì mới chuẩn là vay gì trả đấy . Vẫn biết mức lãi của anh chị là thấp hơn đi vay ngân hàng nhưng nó bằng hoặc gần bằng lãi suất tiền gửi mà. Chẳng anh em nào lại cho vay vàng mà lấy mức lãi suất cao như vậy cả", một bình luận bày tỏ.

Một người khác cũng tỏ ý tán đồng: "Tôi cũng thấy cấn chỗ này. Trả lãi đầy đủ 14 năm ròng rã vậy rồi mà giờ còn tính gốc theo giá vàng thì ác quá. Anh em gì kỳ ghê…"

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến khác cho rằng, nguyên tắc "vay gì trả nấy" là điều hiển nhiên, và trường hợp này cũng không phải ngoại lệ. Theo quan điểm này, dù giá vàng tăng cao đến mức nào, thì sau 10 năm, người vay vẫn phải trả số vàng ban đầu, không phụ thuộc vào giá vàng hiện tại.

Trong việc xác định chi tiết về việc quy đổi 10 cây vàng thành 360 triệu đồng tại thời điểm vay, phần lớn ý kiến đều đồng tình rằng đó chỉ là cách để tính toán lãi suất mà không phải là việc quy đổi vàng thành tiền để sau này nhận lại số tiền 360 triệu đồng.

Người dùng V.A cho ý kiến: "Khi giá vàng tăng, bạn phải chấp nhận rủi ro. Nguyên tắc từ trước đến nay luôn là vay gì thì trả lại như thế, việc quy đổi 10 cây vàng thành 360 triệu đồng chỉ để tính lãi suất dễ dàng. Hãy tưởng tượng, nếu phải vay 360 triệu đồng từ ngân hàng, bạn cần phải cầm cố bao nhiêu tài sản làm thế chấp? Vợ chồng bạn nên trả lại 10 cây vàng với lòng biết ơn".

Người dùng L.L cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, dù là người trong gia đình nhưng việc vay và cho vay 10 cây vàng trong suốt 14 năm yêu cầu có một phương thức để tính lãi suất. Tính toán lãi suất hàng tháng là 2 triệu đồng cho 10 cây vàng trong khoảng thời gian dài như vậy đã mang lại lợi ích đáng kể cho người vay. Do đó, chủ nhân bài viết không nên tạo ra một cuộc tranh cãi không cần thiết mà phải tự nguyện trả lại 10 cây vàng.

"Nếu không muốn gánh chịu rủi ro, trong suốt 14 năm qua, họ nên tích lũy và trả dần đi. Để khi giá vàng tăng lên gấp đôi, họ mới xét đến việc trả nợ, nhưng lại đòi trả tiền? Hãy tưởng tượng nếu giá vàng giảm xuống còn 20 triệu đồng một lượng, lúc đó họ có muốn trả tiền nữa không?", người này trình bày quan điểm của mình.

Tranh cãi dữ dội vụ việc em dâu 10 năm trước vay vàng, 10 năm sau lại muốn trả tiền: Giải quyết thế nào cho hợp lý?- Ảnh 2.

Cũng có người đề cao giá trị tình cảm đằng sau câu chuyện cho vay này: "Chả hiểu sao có bác bảo bên cho vay là tham được nhỉ? Xin lỗi chứ lúc tôi khó khăn mà có người cho tôi vay 1 khoản tiền rất lớn, suốt 14 năm chỉ trả lãi mà không đòi trả gốc, chắc tôi quỳ xuống cảm ơn ko hết. Sao các bác không kiểm tra xem lãi suất năm 2010-2011 là bao tiền? Hơn 16%/năm đó ạ. Đây rõ ràng là cho vay lãi tình cảm, có 2 triệu đồng/tháng, tính ra hơn 6%/năm, bằng 1/3 ngân hàng mà còn bị bảo tham. Chê người ta tham thì sao không ra ngân hàng mà vay, xem có ngân hàng nào cho vay không? Về tình về lý bên cho vay quá tốt rồi. Nếu không cho vay mà giữ số vàng đấy, chắc giờ nhà họ có thêm miếng đất hoặc bán 80 triệu đồng/lượng rồi. Không mất lòng lại vẫn còn tiền."

Vụ việc vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi và chủ nhân chưa quyết định phương án thỏa đáng cho cả đôi bên.

Qua đây, có thể thấy, kể cả trong mối quan hệ gia đình, các vấn đề liên quan đến tài chính cũng cần phải được thỏa thuận rõ ràng, tránh những tình huống phức tạp như trong trường hợp được nêu trên. Chỉ vì sự mập mờ trong quá trình vay và cho vay mà dẫn đến những tranh cãi không cần thiết, gây rạn nứt tình cảm giữa đôi bên.

Phương Thùy

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên