Tranh cãi Huawei phủ bóng đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Lập trường cứng rắn của Mỹ và Trung Quốc khiến các cuộc đàm phán thương mại diễn ra tại Washington trong 2 ngày 9 và 10-5 (giờ địa phương) khó có khả năng phá vỡ bế tắc.
- 03-05-2019Huawei vượt Apple thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới
- 03-05-2019Các công tố viên Mỹ tìm cách loại bỏ luật sư bào chữa của Huawei
Bầu không khí trước cuộc gặp càng nóng lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-5 cáo buộc Trung Quốc "phá vỡ thỏa thuận" trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington. Chưa hết, ông Trump cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải trả giá nếu không có thỏa thuận nào đạt được. Cùng ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo Washington chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với khoảng 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10-5, tức vào thời điểm hội đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và giới chức Mỹ diễn ra.
Tỏ ra cứng rắn không kém, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 9-5 nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng trả đũa bằng những biện pháp cần thiết. Ông Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị quốc tế tại Trường ĐH Bắc Kinh, nhận định trên tờ South China Morning Post (Hồng Kông) việc đánh thuế trả đũa có thể không phải là lựa chọn tốt đối với Trung Quốc vì sẽ gây thiệt hại cho nỗ lực kích cầu tiêu dùng nội địa. "Thay vào đó, Trung Quốc có thể hạn chế mua hàng và ngừng mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ" - ông Wang gợi ý và cho rằng những lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, năng lượng, sản xuất của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Bắc Kinh lựa chọn biện pháp này.
Bà Meng Wanzhou rời nhà riêng ở TP Vancouver - Canada hôm 8-5 Ảnh: Reuters
Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới nhất còn bị phủ bóng bởi tranh cãi liên quan đến Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8-5 cảnh báo sẽ dừng chia sẻ thông tin tình báo với Anh nếu nước này cho phép Huawei tham gia xây dựng một phần mạng 5G của mình. Washington lâu nay xem Huawei là mối đe dọa an ninh - một cáo buộc bị công ty Trung Quốc này bác bỏ.
Chưa hết, Washington còn đang tìm cách dẫn độ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính Huawei, từ Canada về Mỹ. Theo đài CNN, bà Meng và Huawei đang đối mặt một loạt cáo buộc tại Mỹ, như gian lận ngân hàng, đánh cắp bí mật thương mại và tránh né lệnh trừng phạt. Phía Huawei liên tục khẳng định không làm gì sai, đồng thời cho rằng vụ việc mang động cơ chính trị.
Bà Meng đã ra tòa ở Canada hôm 8-5 và các luật sư biện hộ cho biết sẽ nộp đơn xin miễn dẫn độ bà đến Mỹ khi trích dẫn những phát biểu bị xem là mang động cơ chính trị của ông Trump về vụ việc. Ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố có thể can thiệp vào trường hợp của bà Meng nếu điều đó giúp đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Người Lao động