Tranh cãi ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông
Các chuyên gia môi trường cho rằng, cách nói thủy ngân bằng 0 trong môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội rất sai về mặt khoa học. Thực tế các thiết bị test nhanh không thể phát hiện ra thủy ngân nồng độ thấp chứ không phải là nồng độ thủy ngân bằng 0.
- 02-09-2019Công ty Rạng Đông sử dụng bột amalgam dạng zeolite khi sản xuất bóng đèn
- 01-09-2019Công ty Rạng Đông dùng hóa chất có gây hại môi trường?
- 31-08-2019Vụ cháy Công ty Rạng Đông: 3 tủ lạnh chứa hóa chất amalgam không bị cháy
Không thể có chuyện thủy ngân bằng 0 trong môi trường
Chiều 31/8, Sở TN&MT Hà Nội ra thông báo, kết quả test nhanh môi trường trong và ngoài khu vực xảy ra vụ cháy tại Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, đối với thông số thủy ngân (Hg) lấy tại 5 vị trí: Mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, mẫu đất tại rìa vườn hoa trung tâm, mẫu đất tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0 ug/m3 (microgam/mét khối). Kết quả này bị nhiều chuyên gia môi trường nghi ngờ tính chính xác.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mỗi thiết bị test nhanh chỉ cho phép phát hiện ra nồng độ thủy ngân ở một dải nhất định. Các thiết bị này ghi nhận dương tính khi nồng độ thủy ngân nằm trong dải đó và thường ở ngưỡng rất cao. Ở ngưỡng thấp hơn, các thiết bị test nhanh không thể phát hiện ra được.
Sau vụ cháy tại Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Hà Nội may mắn có hai trận mưa vàng, nhờ vậy, nồng độ thủy ngân trong môi trường được giảm đáng kể. Việc sử dụng thiết bị test nhanh chắc chắn không thể cho ra kết quả. Vì thế, không thể nói là kết quả thủy ngân trong môi trường bằng 0 mà phải nói chính xác là thiết bị test nhanh không thể phát hiện ra thủy ngân trong môi trường. Để có kết quả chính xác phải lấy mẫu phân tích tại phòng thí nghiệm.
TS Hoàng Dương Tùng cho biết, quan trắc thủy ngân, đặc biệt là quan trắc thủy ngân trong không khí là một kỹ thuật khó và đắt. Trước đây, Việt Nam thường phải gửi mẫu ra nước ngoài để thuê hoặc nhờ phân tích. Mấy năm gần đây, nhờ một dự án quan trắc thủy ngân trong không khí ở Đông Nam Á nên Việt Nam có cơ hội tiếp cận và làm chủ kỹ thuật này. Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường là đơn vị làm chủ kỹ thuật này. Hiện tại, đơn vị này đã lấy mẫu đất, nước, không khí quanh khu vực xảy ra đám cháy để phân tích.
TS Tùng cho biết thêm, các chất gây ô nhiễm luôn luôn có trong môi trường, vấn đề là hàm lượng bao nhiêu, có trong ngưỡng an toàn hay không. Các đơn vị phân tích cũng thường kết luận hàm lượng chất gây ô nhiễm nằm trong hay nằm ngoài ngưỡng an toàn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chứ không ai kết luận, chất gây ô nhiễm bằng 0.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc đã lấy rất nhiều mẫu đất, nước, không khí môi trường xung quanh nơi xảy ra đám cháy để đưa về phòng thí nghiệm phân tích. Dự kiến trong hôm nay (3/9) có thể có kết quả phân tích.
Ô nhiễm nguồn nước và bề mặt
Dù chưa có kết quả phân tích cuối cùng của Tổng cục Môi trường song nhiều chuyên gia cho rằng môi trường không khí không đáng lo ngại.
Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, nhờ hai cơn mưa vàng ngay sau sự cố cháy nên môi trường không khí được cải thiện nhiều và không còn ô nhiễm nữa, trừ khu vực ngay trong kho của Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, nơi còn đống tro tàn sau sự cố cháy nổ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, môi trường không khí không đáng lo ngại nhờ được làm sạch tự nhiên bằng mưa. Tuy nhiên lo ngại nằm ở nguồn nước và bề mặt.
Theo chuyên gia môi trường Nguyễn Anh Tuấn, cơn mưa vàng đã làm giảm nguy cơ ngộ độc thủy ngân cấp tính. Tuy nhiên, mưa làm thủy ngân trong không khí lắng đọng tại bề mặt đất, nước (sông, hồ), nhà cửa, đường sá, làm tăng nguy cơ ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, TS Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý, thủy ngân phát tán vụ cháy là thủy ngân oxit (thủy ngân vô cơ). Đây là dạng thủy ngân ít độc tính nhất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan chức năng nên khoanh vùng ảnh hưởng theo hướng gió thay vì vùng bán kính như hiện nay. Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tối 28/8, thời gian xảy ra đám cháy, gió thổi theo hướng Đông Bắc. Chuyên gia Đào Nhật Đình nhận định, nếu hướng gió như vậy, nguy cơ vùng ảnh hưởng có thể sang phía bên kia của đường vành đai 3. “Tuy nhiên, theo quan sát trên video và ảnh, tôi thấy có thể gió theo hướng Bắc và Tây Bắc. Nếu như vậy, vùng ảnh hưởng nhất là khu vực quanh hồ Hạ Đình”, ông Đào Nhật Đình chia sẻ.
Lo ngại ô nhiễm Nhà máy nước Hạ Đình
Thông tin cháy nhà xưởng Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông khiến người dân lo ngại nguy cơ ô nhiễm Nhà máy nước Hạ Đình nằm ngay gần đó. Theo chuyên gia Đào Nhật Đình, nhà máy này có thể bị ảnh hưởng một phần và phải tiến hành vệ sinh giàn mưa. Dù vậy, nước cung cấp đến người dân đã qua lọc nên có thể yên tâm. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, cơ quan chức năng đã lấy nhiều mẫu ở Nhà máy nước Hạ Đình để phân tích, sẽ công bố khi có kết quả.
Trường Đại học KHTN Hà Nội tự đánh giá nguy cơ ô nhiễm
Trước nguy cơ ô nhiễm sau sự cố cháy Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết đã thành lập tổ chuyên gia để đánh giá tình hình. Sau khi mô phỏng lan truyền chất ô nhiễm từ đám cháy trong các tình huống dựa trên số liệu về khí tượng trong thời gian xảy ra đám cháy và một số kịch bản giả định về nguồn phát tán chất ô nhiễm. Kết quả các kịch bản mô phỏng cho thấy, Trường ĐHKHTN và KTX Mễ Trì là hai trong số những khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất của nguồn ô nhiễm (nếu có). Trường cũng tiến hành phân tích môi trường. Kết quả cho thấy, hàm lượng thủy ngân trong các mẫu đại diện đều dưới ngưỡng cho phép theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành.