Tranh cãi quan điểm "Không có kinh tế thì xin đừng đẻ con": Mình sao cũng được, nhưng đừng bắt con phải chịu khổ theo?
Nhiều người cho rằng, nuôi con thời bây giờ không chỉ cần tình yêu thương là đủ, mà phải chuẩn bị tài chính thật kỹ mới dám sinh!
- 03-07-2024Nuôi con của em chồng ròng rã 22 năm, ngày con đoàn tụ với mẹ ruột, tôi đau lòng vô cùng: Đến khi ngã bệnh, tôi mới hiểu thấu!
- 20-06-2024Rơi nước mắt câu chuyện mẹ đơn thân sáng nuôi con ung thư, tối livestream bán hàng ở sân bệnh viện
- 30-05-2024Từng đau khổ nhường quyền nuôi con cho chồng cũ, giờ nhìn con trai hẳn nữ diễn viên này tự hào lắm: Đã ngoan còn học cực giỏi
- 28-05-2024Mẹ trẻ đưa 3 con rời Hà Nội về Nha Trang vì điều này, khẳng định nuôi con là việc NHÀN NHẤT
Tranh cãi quan điểm: "Không có kinh tế thì xin đừng đẻ con"
Sinh con vốn là chủ đề chẳng có đúng sai, là quyền tự do của mỗi người. Nhưng mỗi khi có bất kỳ quan điểm nào liên quan đến vấn đề này cũng đều nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ dân tình, đặc biệt nếu nó còn kết hợp với yếu tố nhạy cảm không kém là tiền nong.
Đơn cử mới đây trong một hội nhóm cộng đồng, chia sẻ của một phụ huynh đang là chủ đề được mọi bàn tán rôm rả. Cụ thể, cô nàng này tâm sự: "Không có kinh tế thì đừng đẻ con!", "bản thân cũng không cao siêu gì hơn nhưng để được lựa chọn lại thì sẽ không có con khi bản thân chưa thực sự vững vàng".
Cụ thể, trước quan điểm "Đẻ đi rồi tính", "Con là trời cho, không phải ai muốn cũng có", "Đẻ đã rồi cố gắng vì con", cô nàng này phản biện: "Phần cố gắng thì chỉ là ý nghĩa nhưng đứa con là hiện thật, ở 1 mình đôi khi hết tiền tiêu vào giữa tháng cũng thấy mịt mờ rồi. Thành ra sau khi đẻ con rồi họ vẫn loay hoay, không tính nổi, rồi còn phải làm như nào để chăm được con mà vẫn đi làm được, vẫn kiếm được tiền, nếu không được thì lại quay sang kiếm đường gửi con, thành ra lại khổ, rồi đổ thừa tại có con nhỏ".
Trước nhận định "Không có tiền thì đừng đẻ con", cô nàng này bày tỏ: "Đã đến lúc các thế hệ sau phải hiểu được rằng: Đẻ được phải nuôi được, chứ không cứ đẻ rồi quăng về ông bà lo. Đừng ai bảo ai cũng xứng đáng có con, có con là nghĩa vụ thiêng liêng. Cứ thế, họ thoả cái suy nghĩ rằng phải có con cho bằng được mà chưa từng nghĩ rằng, sẽ nuôi đứa trẻ đó như thế nào.
Liệu rằng đứa trẻ lớn lên có hạnh phúc, có đủ điều kiện để phát triển không, thực tế trẻ thời nay có vấn đề rất là nhiều, mà lý do chính vẫn là vì ba mẹ bận không có nhiều thời gian cho con. Bởi lẽ đó, nếu không có kinh tế để nuôi con, thì đừng đẻ. Còn đã đẻ, thì phải có kế hoạch. Đừng đùng đùng mà đẻ rồi để đó trời nuôi!".
"Chờ giàu mới đẻ con thì đợi đến bao giờ?"
Hiện bài đăng vẫn dấy lên cuộc thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều. Trong số đó, có nhiều ý kiến phản đối với quan điểm của cô nàng. Bởi họ cho rằng nếu cứ đợi đủ tiền, nhiều tiền thì biết đến bao giờ mới dám sinh con. Và nếu chờ đến khi tài chính dư dả mới tính chuyện sinh con thì lúc ấy khả năng sinh con... cũng bị thu hẹp so với thời điểm còn trẻ.
- "Chị họ mình lúc trẻ không đẻ con. Đến sau giàu muốn có con thì quá tuổi, chạy chữa khắp nơi, tiền tỷ cũng không có được bé. Vậy ba mẹ giàu có sống hưởng thụ, mà không có con cũng buồn. Nhưng nếu có con trước thì chắc bà không giàu được như vậy. Vì nếu có con trước thì bà đã bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. Nên tuỳ theo sự lựa chọn của bản thân thôi. Còn áy náy hay không do bản thân tự quyết định và tự chịu trách nhiệm".
- "Đôi khi có con cái cũng là động lực để phấn đấu bạn ạ. Mấy ai mới cưới xong đã đủ đầy đâu. Nhiều trường hợp kế hoạch có kinh tế mới đẻ sau lại vô sinh đấy. Giàu hay nghèo, tớ nghĩ không quan trọng bằng việc có trách nhiệm, yêu thương và phấn đấu vì con bạn ạ".
- "Chẳng biết thế nào là đủ với xã hội này cả. Có tiền nuôi con theo kiểu có tiền, ít tiền nuôi con theo kiểu ít tiền. Miễn là bạn cố gắng nuôi dạy con tốt trong khả năng của mình. Có kinh tế thì đẻ nhiều, không có kinh tế thì đẻ ít. Chứ mà bạn đợi kinh tế ổn định, lúc ấy muốn đẻ con thì khó. Con cái đôi khi cũng là cái duyên, có con vào lại có động lực phấn đấu hơn".
- "Giờ tỉ lệ vô sinh đang ngày càng trẻ hóa, càng lớn tuổi càng khó có con. Đợi tới lúc kinh tế vững thì biết đâu mình cũng hết khả năng thụ thai rồi. Lúc đó núi vàng núi bạc cũng chưa chắc đổi được mụn con. Nên phải cân nhắc nhiều yếu tố nữa chứ không phải kinh tế là tất cả".
- "Theo bạn, không có tiền là không có ở mức độ nào? Học trường làng cũng là học mà học trường quốc tế cũng là học, ăn chén cơm cá kho mặn cũng là ăn mà ăn sơn hào hải vị cũng là ăn. Nhà to hay nhỏ cũng là chỗ để ta quay về sau mỗi ngày mệt nhọc.
Vậy nên theo quan điểm cá nhân của mình không phải tiền ít hay nhiều mà cái quan trọng là có ai san sẻ việc chăm sóc nuôi dạy con với mình hay không. Có thì đẻ, không có thì thôi vì một mình chăm 1 đứa nhỏ rất vất vả. Chăm sóc khi con ốm đau, nằm viện, đưa đón con đi học... một mình vất vả lắm".
- "Không phải ai cũng có cơ hội được làm mẹ. Đối với mình, 1 bà mẹ khá khó khăn mới có con thì con cái chính là động lực. Sinh con ra chính là cột mốc để bản thân trưởng thành, hoàn thiện và phấn đấu. Không có kinh tế sinh con thì đừng đẻ liền và nhiều là được. Chứ tư tưởng không có kinh tế xin đừng đẻ thì khá phiến diện.
Theo bạn, thế nào là có kinh tế? Có những người làm 40-50 triệu/1 tháng vẫn thấy là không đủ. Có những người lao động bình thường lương 7-8 triệu, họ vẫn vun vén được thôi. Đâu phải ai cũng có điều kiện cho con học trường này trường kia, quần áo xịn, đồ dùng xịn đâu. Xã hội phải có người này người kia, người giàu người nghèo. Hãy đẻ khi bạn cảm thấy sẵn sàng để cho con tình yêu và giáo dục con thành em bé lương thiện".
"Đừng đẻ con khi tài chính chưa vững: Mình sao cũng được nhưng đừng bắt con chịu khổ theo"
Ở diễn biến ngược lại, số đông khác lại đồng tình với quan điểm của cô nàng. Bởi họ cho rằng, ngày nay để nuôi dạy một đứa trẻ cần đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về cuộc sống, kéo theo những chi phí gia tăng. Do đó, nếu tài chính chưa vững mà sinh con thì có thể trở thành gánh nặng cho cha mẹ, đặc biệt sẽ tệ hơn nếu ảnh hưởng đến quá trình trẻ lớn lên và trưởng thành.
- "Đa số là vật chất quyết định ý thức. Khi mà cuộc sống còn nhiều bộn bề, chật vật, họ sẽ bị chuyện cơm áo gạo tiền cuốn theo, thành ra sinh con ra nhưng nhiều khi không làm tròn hết bổn phận".
- "Mình có 2 đứa con và xác nhận đúng nha. Kinh tế vừa không ổn định, lại không có sự hỗ trợ thì đẻ con cực lắm. Tội chúng nó, tội cả mình nữa! Nên muốn sinh con thì cũng nên kế hoạch một chút, chẳng hạn như cho con có điều kiện phát triển toàn diện về tinh thần, thể chất...."
- "Ví dụ đơn giản như thế này, nếu miếng bỉm giá 4-5 ngàn đồng con xài bị kích ứng, nhưng miếng bỉm 8-10 ngàn đồng con xài lại êm. Người kinh tế vững sẽ đổi cho con được ngay, nhưng người phải chạy ăn từng bữa thì chưa chắc. Nuôi con thì bao nhiêu nuôi cũng được, nhưng để yên lòng thì có kinh tế/tích luỹ đủ vẫn tốt hơn".
- "Dù rất buồn nhưng phải thừa nhận quan điểm của tác giả là đúng: Nếu không đủ kinh tế và thời gian, xin đừng đẻ con. Vì trẻ con cần cả 2: thời gian của bố mẹ nhất là giai đoạn 0-6 tuổi và kinh tế để học tập và phát triển. Mình từng chứng kiến rất nhiều gia đình chỉ biết đẻ để vui nhà vui cửa rồi đổ lỗi là vì con trẻ nên kinh tế kém, cha mẹ nai lưng ra kiếm tiền. Trẻ con chúng nó đâu có chọn được sinh ra hay không?".
- "Ý kiến cá nhân: Kim cương quan điểm. Giờ khoa học phát triển, cần thiết thì các bạn nữ đi khám rồi trữ trứng mấy năm.
Mình đã từng nghe 1 học sinh (cũ) tâm sự: 'Sống khổ thế này đáng ra bố mẹ đừng đẻ con ra còn hơn'. Thực ra nhà bạn ấy không hẳn nghèo, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Cái thiếu thốn vốn có cộng với áp lực cuộc sống khiến cho bố mẹ bạn ấy chẳng hạnh phúc. Lúc đầu nghe tưởng là đáng trách vì con cái không biết ơn sinh thành của bố mẹ, nhưng ngẫm từ suy nghĩ của 1 đứa trẻ, thấy cũng tội.
Đúng là con sinh ra không được chọn gia đình, nên khi quyết định sinh con, các bố mẹ hãy cố gắng đảm bảo con có xuất phát điểm đủ tốt để được tự do phát triển những năng khiếu và đam mê của mình nhé ạ".
- "Cá nhân mình nghĩ, đừng đẻ con khi kinh tế hai vợ chồng bạn chưa vững. Mình thì sao cũng được, nhưng đừng bắt con, những đứa trẻ chỉ vài tuổi phải chịu khổ theo là được".
Còn bạn, bạn thấy sao về quan điểm này?
Nhịp sống thị trường