MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi quanh Nghị định 116 về ô tô: Bộ trưởng đề nghị lùi thời gian áp dụng

Trước phản ánh từ các doanh nghiệp về Nghị định 116, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định các cơ quan của Việt Nam ghi nhận ý kiến và sẽ rà soát lại nội dung này. Bộ trưởng cũng đề nghị nên lùi thời hạn áp dụng Nghị định để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có buổi đối thoại giữa Hội đồng và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính chiều 13/12.

Tại buổi làm việc, một trong những nội dung được doanh nghiệp phản ánh về Nghị định 116 đó là quy định nhập khẩu ô tô phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Các doanh nghiệp Nhật cho biết các cơ quan Chính phủ của mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận cho ô tô sử dụng trong nước, chứ không quan tâm tới xe xuất khẩu.

Một vướng mắc khác được phản ánh đó là yêu cầu mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật.

Các doanh nghiệp Nhật cho rằng quy định này sẽ gây lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc vì một lần thử nghiệm sẽ mất khoảng 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD. Họ đề nghị chỉ áp dụng việc thử nghiệm cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên.

Ngoài ra, quy định doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải sở hữu hoặc thuê đường thử đáp ứng yêu cầu (với chiều dài ít nhất 800m) để kiểm tra chất lượng của xe được sản xuất, lắp ráp.

Các doanh nghiệp nào của Nhật tại Việt Nam cho biết họ không sẵn có đường thử như vậy và cũng không dễ dàng để xin thêm đất xây dựng, mở rộng đường thử.

Trước các băn khoăn trên, cả đại diện Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải đều cho rằng quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nhằm bảo đảm công bằng giữa xe trong nước và xe nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng.

Riêng Bộ Công Thương đề nghị áp dụng quy định kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo hướng kết quả kiểm tra đó sẽ được chấp thuận cho loại xe đó trong vòng 6 tháng, thay vì kiểm tra theo từng lô hàng như quy định.

Bộ này cũng cho rằng do Nghị định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký là đủ thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị cho sự thay đổi.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết họ vẫn không đồng tình bởi việc nhập khẩu ô tô cần thời gian ít nhất 3-4 tháng, 45 ngày không đủ để họ xử lý xong các hợp đồng đã ký. Quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là không phù hợp thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải khẳng định vừa qua đã đối thoại với các doanh nghiệp và vấn đề giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đã nhận được sự đồng thuận.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp Nhật phản ánh việc này chưa được giải quyết và hỏi lại, liệu giấy chứng nhận chất lượng của chính nhà sản xuất có thể thay cho giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài? Các doanh nghiệp cũng khẳng định lại rằng yêu cầu giấy chứng nhận từ các cơ quan Chính phủ là không thể có được với xe xuất khẩu.

Mặc dù đại diện Bộ Giao thông vận tải không đồng ý với cách hiểu của doanh nghiệp nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng cần xem lại quy định trên.

Bộ trưởng khẳng định với phía Nhật Bản các cơ quan của Việt Nam ghi nhận ý kiến và sẽ rà soát lại nội dung này. Ông cũng đề nghị nên lùi thời hạn áp dụng Nghị định để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên