MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi quanh việc Indonesia cho phép xuất khẩu tôm hùm giống

06-08-2020 - 06:33 AM | Thị trường

Ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (KKP) - Edhy Mitchowo đã chính thức bãi bỏ quy định cấm xuất khẩu tôm hùm giống...

Ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (KKP) - Edhy Mitchowo đã chính thức bãi bỏ quy định cấm xuất khẩu tôm hùm giống của người tiền nhiệm bà Susi Pudjiastuti ban hành. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Chính sách này nhận được nhiều sự đồng tình từ giới chức và các doanh nghiệp bởi sẽ làm giảm tỷ lệ buôn lậu tôm hùm giống, tăng giá trị gia tăng cho ngư dân, cải thiện phúc lợi cộng đồng, bình đẳng về công nghệ canh tác, đầu tư và thu ngoại hối cho nhà nước.

Tranh cãi quanh việc Indonesia cho phép xuất khẩu tôm hùm giống - Ảnh 1.

Tôm hùm giống Indonesia. (Nguồn : Tirto)

Ông Riyanto Basuki, Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Trao quyền Cộng đồng Vùng duyên hải Indonesia cho biết, ngư dân nghèo chiếm 32,14% tổng số người nghèo ở Indonesia, do vậy việc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tôm hùm giống là một hướng đi tốt giúp cải thiện đời sống ngư dân.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia - bà Susi bày tỏ sự lo lắng với chính sách xuất khẩu tôm hùm giống này. Theo bà, trong khi một số quốc gia như Australia, Philippines, Cuba hay Sri Lanka không xuất khẩu tôm hùm giống để duy trì sự bền vững của nguồn tài nguyên này thì Indonesia đưa ra quyết định kỳ lạ.

Theo bà Susi, nếu xuất khẩu tôm hùm giống, ngư dân nhỏ lẻ sẽ không nhận được những khoản tiền lớn từ việc bán tôm hùm trưởng thành. Trong thời của bà, hàng triệu tôm hùm giống đã được thả ra biển để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Trong khi đó, ngày hôm nay (5/8), Đại hội đồng Hồi giáo Nahdlatul Ulama đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia ngay lập tức ngừng xuất khẩu tôm hùm giống sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo ông, việc này không phù hợp với giáo huấn của đạo Hồi. Bởi lẽ, theo tổ chức này, việc xuất khẩu tôm hùm giống sẽ làm hỏng sự bền vững của tài nguyên tôm hùm, đẩy nhanh sự tuyệt chủng, ảnh hưởng tới các thế hệ ngư dân tiếp theo và tới cả quốc gia.

Đại hội đồng Hồi giáo Nahdlatul Ulama cho rằng, việc xuất khẩu hạt giống tôm hùm cũng mâu thuân với một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Indonesia và mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam.

Theo Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Indonesia, quy định mới số 12 của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia về Quản lý tôm hùm, cua và Rajungan trên phạm vi lãnh thổ Indonesia đã hủy bỏ quy định cấm xuất khẩu tôm hùm, đồng thời quy định việc xuất khẩu tôm hùm được thực hiện với một số điều kiện nhất định.

Thứ nhất là, hạn ngạch xuất khẩu, địa điểm bắt tôm hùm giống phải đáp ứng kết quả nghiên cứu của Ủy ban Đánh giá tài nguyên cá quốc gia (Komnas KAJISKAN) và các công ty xuất khẩu phải thực hiện các hoạt động nuôi tôm hùm trong nước.

Thứ hai, việc xuất khẩu tôm hùm giống phải được thực hiện thông qua sân bay đã được xác định. Tôm hùm giống cũng phải được lấy từ những ngư dân nhỏ đã đăng ký trong nhóm đánh cá tại khu vực đánh bắt cá.

Thứ ba, thời điểm xuất khẩu căn cứ vào số lượng tôm hùm giống lưu giữ trong tự nhiên. Cuối cùng, các công ty xuất khẩu phải được đăng ký với Tổng Cục thực hiện các nhiệm vụ và chức năng trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Khi xem xét ban hành quy định này, ông Edhy cho rằng chính sách này được thực hiện để duy trì tính bền vững của nguồn thủy sản.

Theo Hương Trà

VOV

Trở lên trên