Tranh cãi việc lạm dụng quỹ BHYT
Những mâu thuẫn trong việc chi trả khám chữa bệnh BHYT giữa một bên "cầm tiền" với một bên "tiêu tiền" vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
- 30-09-2017Quỹ BHYT tồn dư 47.000 tỉ đồng
- 05-04-2017Ai lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT?
- 18-03-2017Trục lợi quỹ BHYT: 7 tháng khám bệnh 300 lần
- 03-09-2016Nguy cơ vỡ Quỹ BHYT: Tăng mức phí để cân đối Quỹ BHYT
Vướng mắc trong chi trả tiền khám chữa bệnh BHYT , trục lợi quỹ bảo hiểm, chất lượng giám định… là những vấn đề gây tranh cãi tại hội nghị giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT khu vực miền Bắc do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức vào sáng 19-10.
Bệnh viện lạm thu tiền tỉ
Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực miền Bắc - BHXH Việt Nam, cho biết 9 tháng đầu năm 2017, chi BHYT cho khám chữa bệnh tăng vọt với tổng chi trên 71.100 tỉ đồng cho gần 123 triệu lượt người bệnh. Đáng chú ý, có tới 35 tỉnh, thành có số chi BHYT tăng trên 100% như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Quang… khiến quỹ BHYT các tỉnh này bị âm hàng ngàn tỉ đồng. Qua hệ thống giám định điện tử đã phát hiện số lần khám bệnh, ngày điều trị nội trú tăng bất thường, lạm dụng chỉ định xét nghiệm, trục lợi BHYT rất tinh vi...
Cơ quan bảo hiểm cho rằng nhiều cơ sở y tế đang lạm dụng các kỹ thuật cận lâm sàng để tận thu quỹ BHYT. (Ảnh có tính chất minh họa)
Mới đây, khi thực hiện giám định chuyên đề tại 5 bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội (Việt Đức, Xanh Pôn, ĐH Y Hà Nội, Phụ sản trung ương và Phụ sản Hà Nội), cơ quan bảo hiểm phát hiện những BV này đã thực hiện tách dịch vụ y tế để thanh toán BHYT khoảng 5,33 tỉ đồng và thu thêm của người bệnh hơn 4 tỉ đồng. "Một ca phẫu thuật tim chi phí tối đa là 8 triệu đồng nhưng nhiều BV tách ra thành 4 dịch vụ khác nhau để thu tổng cộng tới 50 triệu đồng từ người bệnh và BHYT" - ông Đức nêu.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, bổ sung thêm trong 6 tháng đầu năm 2017, tại 46 tỉnh, thành phố đã có gần 2.770 người đi khám từ 50 lần trở lên. Tại Vĩnh Long, một bác sĩ đã lập khống 272 lượt khám, chữa bệnh để đề nghị thanh toán trên 49 triệu đồng...
Kết dư hơn 49.000 tỉ đồng
Thừa nhận tại một số nơi có tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật để trục lợi quỹ BHYT song phía Bộ Y tế cho rằng công tác giám định BHYT cần phải xem lại, bảo đảm khách quan hơn và phải vì quyền lợi của người bệnh. Theo Bộ Y tế, dù quỹ BHYT hiện còn kết dư tới 49.000 tỉ đồng nhưng mức chi cho người bệnh rất hạn chế, quyền lợi người bệnh bị thiệt thòi.
Ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, bức xúc trước tình trạng khoảng 50% giám định viên BHYT không có trình độ chuyên môn y dược. Việc giám định và xuất toán chi BHYT tại nhiều địa phương chưa chính xác, như tại Đồng Nai, quý I/2017, giám định tự động của ngành BHXH từ chối thanh toán 208 tỉ đồng, bằng 45% số đề nghị thanh toán nhưng khi giám định lại chỉ xuất toán 22,6 tỉ đồng.
"Giám định viên không phải người ngành y lại đi giám định, xuất toán hồ sơ. Đây là bất cập, chúng tôi học 6 năm (bác sĩ - PV) còn không hiểu hết được hồ sơ, còn phải thận trọng nữa là. Đã đến lúc cần phải thành lập cơ quan giám định độc lập với cơ quan BHXH để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" như hiện nay" - ông Nam đề nghị.
Nâng chất lượng khám chữa bệnh
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nhiệm vụ của cả ngành y tế và BHXH là vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. "Với các BV, không thể tiêu thoải mái quỹ BHYT nhưng với BHXH cũng không được gây khó khăn để các cơ sở khám chữa bệnh căng thẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh" - bà Tiến đề nghị.
Người lao động