Tranh chấp chung cư: Luật Nhà ở cho chủ đầu tư quyền quá lớn!
Trên đây là nhận định được Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn đưa ra trong cuộc họp KTXH đang diễn ra tại UBND TP.HCM sáng ngày 25/9.
- 31-07-2017Chung cư thời hiện đại: Góc nhìn chuyên gia về những tranh chấp
- 23-06-2017HoREA: Tình trạng tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng
- 20-05-2017Lại bùng phát tranh chấp chung riêng tại chung cư
Theo đó, Báo cáo chung của UBND TP cho rằng tình hình quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là các chung cư được đầu tư xây dựng theo Luật Nhà ở đang có diễn biến phức tạp, xảy ra tranh chấp.
Trong đó, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, Ban Quản trị và cư dân, liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng và công tác quản lý, vận hành; tranh chấp phần sở hữu chung, sở hữu riêng.
Lý giải về việc này, ông Tuấn thừa nhận rằng hiện có khoảng 10% lượng chung cư tại TP đang diễn ra tranh chấp.
Những tranh chấp này có thể xảy ra giữa cư dân với chủ đầu tư, cư dân với ban quản trị, nhưng “chung quy lại vẫn là lợi ích liên quan đến công tác quản lý điều hành”.
“Có những nơi kinh phí quản lý điều hành chỉ có từ 6-7 tỉ đồng, nhưng cũng có nơi lên tới 50-70 tỉ, nên nếu quản lý không tốt rất dễ dẫn đến tranh chấp” – ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, phần lớn những chung cư này được đầu tư theo Nghị định 90/2006 (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở). Theo Nghị định này, luật cho chủ đầu tư quyền tự chủ quá lớn, trong khi quyền kiểm soát của sở, cư dân… còn hạn chế.
“Những nguyên nhân trên dẫn đến vi phạm của chủ đầu tư, ảnh hưởng đến cư dân. Lúc đó luật chưa quy định rõ ràng, đặc biệt về quyền sở hữu chung và riêng khiến mọi việc cứ nhì nhằng kéo dài, xử lý không dứt điểm” – ông Tuấn nói.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phân loại các vụ để tập trung xử lý…, đồng thời phối hợp với các quận huyện tập huấn cho các ban quản trị, đơn vị vận hành chung cư. Vì thực tế cho thấy năng lực của một số ban quản trị chưa đạt, có nhận thức không đúng về pháp luật.
Cũng trong báo cáo của UBND TP còn cho rằng tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng (xây dựng không phép, sai phép) vẫn còn diễn biến phức tạp ở các địa phương như: Quận 7, Quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.
Tuy nhiên, có mặt tại cuộc họp, ông Lê Hòa Bình – Chủ tịch UBND quận 7 không đồng tình với nhận định này.
Theo ông Bình: “Trật tự xây dựng ở quận 7 không đến nỗi phức tạp. Chúng tôi kiểm soát được”.
Trước khi làm Chủ tịch quận 7, ông Bình từng giữ chức Phó giám đốc Sở Xây dựng, do vậy ông cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn nói trên.
“Có thực tế là chủ đầu tư bán hàng xong, bàn giao phí bảo trì xong thì coi như hết trách nhiệm, phần còn lại thuộc ban quản trị chung cư. Không phải như thế, trách nhiệm của chủ đầu tư phải theo hết tuổi thọ công trình” – ông nhấn mạnh.
Infonet