MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh chấp kiểu côn đồ tại một chung cư ở Hà Nội

30-08-2016 - 09:59 AM | Bất động sản

Trong khi ban quản trị cho rằng các ki ốt tầng 1 không thuộc sở hữu của HUDS mà phải được giao cho ban quản trị quản lý, cho thuê thì HUDS khẳng định diện tích này HUDS đã được Bộ Xây dựng giao cho quản lý.

Vụ việc tranh chấp ki ốt giữa Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và Khu đô thị (HUDS) và các tiểu thương đang thuê ki ốt để kinh doanh ở các khu đô thị Định Công, Linh Đàm ....đã diễn ra từ năm 2013. Đỉnh điểm của vụ việc này là nhiều lần các tiểu thương đã kéo đến trụ sở của công ty này tại Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội để phản ứng về những bất cập trong việc tăng giá thuê ki ốt.


Theo các tiểu thương kể từ năm 2013, HUDS đã tăng giá thuê các ki ốt lên đến 50% thậm chí có những ki ốt tăng đến 100% (Ảnh TTO).

Theo các tiểu thương kể từ năm 2013, HUDS đã tăng giá thuê các ki ốt lên đến 50% thậm chí có những ki ốt tăng đến 100% (Ảnh TTO).

Sau gần 3 năm vụ việc vẫn chưa có hồi kết, HUDS cho rằng các tiểu thương đã vi phạm hợp đồng thuê ki ốt, chậm nộp tiền chính vì thế từ 25/5/2016, HUDS đã bắt đầu tiến hành thu hồi các ki ốt bị chiếm dụng. Gần đây nhất, ngày 26/8 HUDS đã bất ngờ huy động hàng chục người mặc đồng phục của HUDS tới siêu thị Ecomark (nhà số 9- CT2, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thu hồi ki ốt, bốc hàng lên ô tô chuyển đi.

Hành động HUDS cho người của công ty đến thu hồi và cưỡng chế tài sản đã gặp phải sự phản đối dữ dội từ tiểu thương. Theo phản ánh của Đồng Văn Vinh - chủ siêu thị Ecomar với báo chí: "Khi tiến hành thu hồi cưỡng, lực lượng này không hề đưa ra bất cứ một thứ giấy tờ có thẩm quyền quyết định nào của cơ quan chức năng".


Hàng chục bảo vệ của HUDS được huy động để bốc dỡ hàng hóa của siêu thị mang đi nơi khác nhằm thu hồi ki ốt.

Hàng chục bảo vệ của HUDS được huy động để bốc dỡ hàng hóa của siêu thị mang đi nơi khác nhằm thu hồi ki ốt.

Để làm rõ hành vi thu hồi ki ốt của Công ty HUDS, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng dịch vụ đô thị HUDS. Ông Thụy cho biết, trường hợp ông Đồng Văn Vinh thuê ki ốt với HUDS từ năm 2013 nhưng chưa hề đóng tiền thuê hàng tháng cho HUDS. Tính đến thời điểm 31/7/2016, ông Vinh nợ tiền thuê ki ốt lên tới 670 triệu đồng.

Ông Thụy cũng cho biết thêm, HUDS đã làm đầy đủ các quy trình trước khi thu hồi Ki ốt. HUDS cũng đã gửi từ 4 – 5 thông báo tới khách hàng, yêu cầu khách hàng thanh toán tiền thuê ki ốt, trả lại mặt bằng kinh doanh tại các ki ốt. Thậm chí, HUDS đã kí hợp đồng Dịch vụ lập vi bằng với Văn phòng Thừa phát lại Hà Nội để lập vi bằng về việc chứng kiến cán bộ của Công ty trao thông báo lần cuối cho khách hàng.

Vẫn theo ông Thụy, trước khi thu hồi ki ốt, HUDS đã báo cáo với chính quyền các cấp và Cơ quan Công an đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ công ty truy đòi công nợ ki ốt và thu hồi mặt bằng ki ốt của Công ty. Ngoài ra, lực lượng thu hồi ngày 26/8/2016 tại khu đô thị Định Công đều là người của Công ty HUDS.

"Mọi việc chúng tôi làm đều thực hiện theo đúng hợp đồng cho thuê giữa 2 bên. Cụ thể tại điều 9 hợp đồng quy định trong trường hợp người thuê ki ốt (Bên B) không trả tiền thuê thì HUDS có quyền thu hồi ki ốt của bên B, di chuyển hoặc giữ tài sản của bên B", ông Thụy khẳng định.

Trả lời câu hỏi liệu HUDS có đủ thẩm quyền để cưỡng chế tài sản của tiểu thương hay không, ông Thụy cho biết: "Chúng tôi tôn trọng hợp đồng đã ký với khách hàng, cả hai bên đã đồng ý các điều khoản trong hợp đồng. Chính vì thế, việc vi phạm hợp đồng thì cứ tuân theo hợp đồng để giải quyết".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân ông Vinh vẫn chưa đóng tiền thuê ki ốt cho HUDS là do việc sở hữu chung riêng diện tích ki ốt còn nhập nhằng. Ban quản trị tại tòa CT2 Định Công nơi anh Vinh thuê thì cho rằng, các ki ốt tầng 1 không thuộc sở hữu của HUDS mà phải được giao cho ban quản trị quản lý, cho thuê.

Trong khi đó, ông Thụy khẳng định đầu tháng 8 vừa qua, đại diện các sở ban ngành tại Hà Nội đã họp về vấn đề này. Theo đó, phần diện tích tầng 1 dùng để làm ki ốt thuộc sở hữu nhà nước, và do HUDS quản lý. "Bộ Xây dựng cũng đã có quyết định bằng văn bản giao HUDS quản lý phần tài sản của nhà nước là diện tích tầng 1 cho thuê làm ki ốt", ông Thụy khẳng định.

Được biết, trên địa bàn Hà Nội HUDS quản lý 523 ki ốt. Có khoảng gần 90 tiểu thương thuê các ki ốt tại khu Định Công, Linh Đàm...đang còn nợ tiền của HUDS với tổng số lên đến vài chục tỷ. Hiện nay tình trạng tranh chấp quyền sở hữu ki ốt giữa HUDS và ban quản trị không chỉ xảy ra tại khu đô thị Định Công mà còn xảy ra tại nhiều khu chung cư cao tầng tại Linh Đàm do HUDS quản lý.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên